Trương Thị Diệu Thúy - Cô giáo ngoài biên chế

21:29 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 3364

Thường thì người tật nguyền dù cố tạo cho mình một sự yên ả, nhưng nỗi buồn trong sâu thẳm thì chẳng giấu được ai, ánh mắt nhìn xa xăm, nụ cười héo hắt, nhưng cô giáo Trương Thị Diệu Thúy có dáng hình rất chuẩn, nụ cười tươi, khoe hàm răng trắng nuột nà. Cô sinh năm 1976 trong một gia đình công chức nhà nước.

Lúc đó, khi nước nhà mới được thống nhất, nền kinh tế chưa thoát ra khỏi bao cấp, đời sống viên chức nhà nước ba cọc, ba đồng, rất khó khăn, Thúy được 9 tháng tuổi thì bị sốt bại liệt. Mặc dù bố, mẹ, họ hàng không quản tốn kém, đưa Thúy đi chữa trị ở nhiều nơi, nhưng càng chữa trị đôi chân của Thúy càng mềm nhũn như không có xương. Bố, mẹ Thúy bất lực đành nhìn con bị căn bệnh quái ác cướp đi đôi chân.

Bù lại, Thúy vẫn phát triển trí não bình thường, khỏe mạnh và hiếu động. Năm Thúy lên 6 tuổi, tuổi đến trường của bao đứa trẻ, thương con, ông Trương Văn Khước cõng Thúy đến trường xin nhập học. Từ buổi ấy, Thúy đến Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đều đặn. Rất may, Trường cách nhà chỉ gần một cây số. Song, vì bận công việc cơ quan, bố mẹ không cõng Thúy đến trường được thường xuyên.

Việc cõng Thúy đến trường do chị gái Trương Thị Tuyến trên Thúy 4 tuổi đảm nhận. Suốt 2 năm trời, từ năm Thúy học lớp 1 cho đến năm học lớp 2, chị Tuyến như con còng cõng trên lưng con ốc, không kể trời mưa, trời nắng ngày hai buổi sáng, trưa chị Tuyến đều đặn cõng Thúy đi về. Đường không xa, nhưng nhà ở sâu trong xóm, lối đi gập ghềnh chứ không được trải bê tông như bây giờ nên không ít lần cả chị, cả em ngã xây xước cả chân tay, mặt mũi.

Thương hai chị em, bố Khước có lần khuyên Thúy nghỉ học để bố tìm trường dành cho trẻ em khuyết tật. Nghe bố nói cả hai chị em đều khóc. Thấm thoát hai năm học đầu tiên với các trẻ bình thường khác thì chả là cái gì, nhưng với Thúy thì đó là cả cuộc vật lộn đầy thử thách, cam go. Nhưng Thúy học giỏi, giấy khen học kỳ, rồi giấy khen cuối năm khiến cả nhà vui mừng.

Sang năm học lớp ba, năm Thúy lên 9 tuổi, bố mẹ mua cho Thúy đôi nạng bằng inox bé tý. Thúy tập đi bằng nạng. Tưởng dễ, nhưng với hai cánh tay non nớt, Thúy hết ngã bên này lại trẹo bên kia. Toàn thân đau nhức, nhất là hai nách, cứ như bị ai đánh dập, đêm nằm nhức buốt đến tận óc. Tập mãi rồi cũng quen, chị Tuyến không phải cõng nữa. Nhờ có đôi nạng, Thúy tham gia được một số hoạt động của lớp, như tập hát, tập vẽ, tập đan lát... Thúy không còn thấy lẻ loi, tự ti như trước đây.

Suốt các năm học ở Trường Tiểu học và THCS Trần Quốc Toản, Trương Thị Diệu Thúy đều đạt học sinh giỏi, không bị lưu ban năm nào. Sang học trung học phổ thông, Thúy phải đi học ở Trường Chuyên ban Hòn Gai, cách nhà gần 10 cây số. Việc đi lại rất khó khăn. Rất may, cùng xóm với Thúy có bạn Phạm Thị Duyên, cùng lớp.

Hàng ngày Duyên đèo Thúy trên chiếc xe đạp Thống Nhất, đều đặn như thế suốt ba năm học. Ngày ấy, đường 18A rất xấu và nhỏ, lại nhiều dốc, nhiều cua. Những hôm trời mưa to, hai bạn Thúy- Duyên ngã lộn nhào cả xe cả người xuống rãnh. Người ngợm, áo quần, sách vở nhem nhuốc, tơi tả.

Ông Khước, bố Thúy lại thở dài, khuyên con nghỉ học. Thúy và cả Duyên nói với bố Thúy, lần sau sẽ cẩn thận hơn, xin cho Thúy tiếp tục được đến trường. Đôi bạn giúp nhau đến trường báo chí dạo ấy đã nhiều lần đưa tin.

Ba năm học ấy, Thúy vẫn là học sinh giỏi. Tốt nghiệp, cũng như bao học sinh khác, Thúy và Duyên đều chọn cho mình một ngành học phù hợp với lực học và sức khỏe.  Duyên chọn học Cao đẳng Sư phạm, khoa Mầm non. Còn Thúy, chọn ngành học là Đại học Ngoại ngữ, khoa tiếng Anh. Bây giờ, cô giáo Phạm Thị Duyên là cô giáo mầm non ở phường Hà Tu. Duyên đã có hai con nhỏ, một trai, một gái và một gia đình hạnh phúc. Thỉnh thoảng đôi bạn tâm giao lại gặp gỡ động viên và giúp đỡ nhau. Thúy nhoẻn cười:

- Ngày ấy cháu cứ ao ước được làm cô giáo, mà là cô giáo dạy tiếng Anh. Vì chú biết đấy, những năm đầu của thời kỳ đổi mới, bước đầu hội nhập, tiếng Anh như  cái mốt thời đại.

Tôi hỏi :

- Cháu có được ưu tiên trong thi cử không?

- Cháu không thuộc đối tượng được ưu tiên, cháu chỉ là người tàn tật. Ưu tiên là con em gia đình chính sách cơ chứ bố mẹ cháu đều là công chức nhà nước.

- Nghĩa là cháu thi vô tư. Thế điểm có cao không?

- Cháu thừa 1,5 điểm. Điểm chuẩn là 22, cháu đạt 23,5.

Thúy nhớ lại, năm đầu nhập học, bố Khước chỉ đưa Thúy lên trường nhập học và tìm thuê nhà trọ cho Thúy rồi bố phải về làm việc. Một đứa con gái lành lặn lần đầu xa nhà, lần đầu tự lo lấy mọi sinh hoạt cá nhân đã là một thử thách ghê gớm, huống hồ Thúy lại là đứa con gái tàn tật hai chân. Ngày ngày không kể mưa, gió phải quăng người trên đôi nạng inox đến trường. Khổ nhất là giảng đường của lớp Thúy lại trên tận tầng tư.

Lại những ngày luyện tập quăng người trên đôi nạng leo từng bậc cầu thang. Do leo bậc khó khăn, mất thời gian, Thúy phải đến trường sớm hơn các bạn. Vì đến sớm chưa có ai, nên nhiều lần ngã lăn mấy bậc cầu thang, không có ai nâng, nằm cho bớt đau Thúy lại lồm cồm bò dậy leo tiếp.

Bốn năm học đại học là bốn năm Thúy vất vả với những lần leo bậc cầu thang, những buổi rong ruổi từ nhà trọ đến trường, qua bao ngã tư, len lỏi qua những dòng người, dòng xe đông đúc, rồi chợ búa, cơm nước, nhiều hôm về đến nhà trọ là lăn ra thở, chả thiết ăn uống.

Một lần ông Khước lên thăm con gái thì đúng là ngày Thúy bị ngã cầu thang. Mặt mày xây sẩm, khắp người thâm tím, máu rỉ ra ở cánh tay. Ông Khước lau nước mắt:

- Con xem có học được không, nếu đuối sức quá thì về bố tìm cho con việc khác phù hợp với sức khỏe của con.

Thúy rắn rỏi:

- Con học được. Ngã mãi rồi cũng quen. Con đã quen với ngã rồi thì con sẽ vượt qua được, bố cứ yên tâm công tác không phải lo nghĩ cho con đâu.

Bốn năm học đại học rồi cũng xong. Sinh viên đặc biệt Trương Thị Diệu Thúy đỗ tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu. Cầm tấm bằng bìa cứng, có hình tươi rói, Thúy không cầm được nước mắt. Những lần ngã xe đạp do Duyên lai, rồi ngã cầu thang ở giảng đường Đại học, đau nhưng Thúy không hề rơi nước mắt. Nhưng khi cầm tấm bằng tốt nghiệp Đại học Thúy khóc như bị ai đánh.

Thúy hiểu tấm bằng Đại học Ngoại ngữ, khoa tiếng Anh, niềm ao ước đã thành hiện thực, ngoài sự nỗ lực của bản thân là sự động viên, yêu thương, giúp đỡ của gia đình, thầy cô và bao bạn bè. Có bằng rồi, toại nguyện rồi, nhưng con đường phía trước ra sao? Thúy sẽ làm gì với tấm bằng này đây?

Nếu là người bình thường, thì tấm bằng là bục nhún để nhảy cao hơn, xa hơn, còn Thúy, một cô gái tật nguyền Thúy sẽ làm gì  nuôi sống được bản thân, bố mẹ ngày mỗi già thêm? Thúy chia tay bạn bè, thầy cô, tạm biệt giảng đường về Quảng Ninh mà lòng nặng trĩu lo âu.

Thúy rót mời tôi chén nước khổ qua, cười tự tin:

- Năm 1999, cháu tốt nghiệp, vừa về đến nhà hàng xóm đã gợi ý kèm cặp tiếng Anh cho con cháu họ. Cảm động lắm chú ạ. Như cháu đã nói, ngày ấy tiếng Anh như là một cái mốt, từ người già đến trẻ em xô nhau đi học tiếng Anh. Mà lúc đó ở TP Hạ Long đã có mấy giáo viên dạy tiếng Anh đâu, các thầy dạy tiếng Anh ở các trường phổ thông thì chạy sô hết Trung tâm này đến Trung tâm khác.

Mở lớp dạy tại nhà cho các cháu học sinh mà nhà trường không dạy tiếng Anh trở thành nhu cầu. Thế là bố mẹ cháu dọn cho cháu một phòng đủ chỗ cho 10 học sinh học. Cháu xác định tiêu chí đầu tiên là phải bảo đảm uy tín, chất lượng. Hơn 10 cháu học sinh học tại lớp của cháu, ngay năm đầu các cháu này đã có sự tiến bộ rất tốt, một số cháu thi đỗ vào Trường Chuyên Hạ Long, Chuyên ban Hòn Gai.

Sang năm thứ hai, số học sinh xin đến học nhiều hơn, cháu phải chia làm 2 ca, chiều và sáng. Cứ thế, tiếng lành đồn xa học sinh tìm đến cơ sở của cháu ngày càng đông.

Để đáp ứng được nhu cầu của người học và bảo đảm chất lượng, gia đình xây riêng cho Thúy một phòng học rộng hơn 20m2 cho các khối lớp từ lớp 6 đến lớp 9, mỗi lớp từ 20-25 học sinh, học mỗi tuần 2 buổi. Thúy rất nghiêm túc trong việc giảng dạy và học hành. Học sinh nào không có tâm huyết, học có tính chất đối phó, Thúy không nhận.

Học sinh nào có tâm huyết, nhưng tiếp thu chậm Thúy bồi dưỡng thêm không thu tiền. Mỗi lớp Thúy chọn ra những học sinh có năng khiếu bồi dưỡng thành đội tuyển. Trong số những học sinh học tiếng Anh tại cơ sở của cô giáo Thúy, có nhiều cháu rất thành đạt, như cháu Quỳnh Mai, khi đến cơ sở của cô giáo Thúy kiến thức về tiếng Anh còn lõm bõm, sau thời gian học được cô giáo Thúy kèm cặp, Quỳnh Mai tiến bộ nhanh, dự thi tiếng Anh toàn quốc, Quỳnh Mai đạt giải khuyến khích; Cháu Hoàng Thùy Linh, kiến thức Anh văn cũng yếu, sau thời gian học cô Thúy, Thùy Linh thi đỗ vào Trường Chuyên ban Hạ Long, lớp chuyên Anh, hiện Thùy Linh là sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội...

Hơn 10 năm (1999- 2010), cô giáo Trương Thị Diệu Thuý đã dạy tiếng Anh cho trên 1.000 cháu học sinh. Tiếng lành đồn xa, hiện cơ sở của cô giáo Thúy có 4 lớp, với gần 100 học sinh, từ phường Bạch Đằng đến Hà Tu, cách xa hàng chục cây số cũng tìm đến cơ sở của cô giáo Thúy để học.

Ngồi vân vê cốc nước khổ qua vừa rót, cô giáo Thúy rơm rớm nước mắt, nói nhỏ nhẹ :

- Đạo lý của người Việt Nam là “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” nhưng cháu từng nghĩ, tình cảm ấy chỉ dành cho các thầy cô giáo ở các trường học, còn những người như chúng cháu mấy ai quan tâm.

Vậy mà không, kể từ năm 1999 đến nay, cứ đến ngày 20/11, học sinh của cháu và cả phụ huynh, trong đó có nhiều cháu đã ra trường, công tác, học tập ở xa vẫn về chúc mừng cháu. Tại gian nhà chú cháu mình đang ngồi đây các cháu bá vai, bá cổ cô giáo hát hò, chuyện trò rôm rả. Những lúc ấy cháu thấy vô cùng hạnh phúc chú ạ.

Với những đóng góp  và sự vượt lên số phận một cách bền bỉ, kiên nhẫn, tự tin, nên năm 2008, cô giáo Thúy là người duy nhất được Sở Lao Động- TB&XH tỉnh chọn đi dự Hội nghị những người khuyết tật có nhiều thành tích do Tổ chức Người Khuyết tật Đông Nam á tổ chức tại Hà Nội. Trung tuần tháng 4/2010, cô giáo Thúy lại được Hội bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi chọn đi dự Hội nghị biểu dương những người tàn tật, trẻ em mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội.

Những tin cũ hơn

Trương Thị Thương, cô sinh viên đặc biệt

Trương Thị Thương, cô sinh viên đặc biệt

— 21 Tháng Năm 2017

Sau khi kết thúc buổi thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1 vào ĐH Đà Nẵng sáng 4-7, có một trường hợp thí sinh được đặc cách miễn thi. Đó là thí sinh Trương Thị Thương (SBD 52979) dự thi vào ngành Cử nhân Công nghệ thông tin Trường ĐH Sư phạm, tại điểm thi Trường tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu). Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam xin giới thiệu trường hợp hãn hữu này...

Trương Quang Trọng (1906- 1931) và

Trương Quang Trọng (1906- 1931) và "cuộc đấu tranh lưu huyết” ở ngục Kon Tum

— 21 Tháng Năm 2017

Trương Quang Trọng sinh năm 1906 tại làng Phú Nhơn, nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Đầu thập niên 20 thế kỷ XX, Trương Quang Trọng ra Huế học ban Thành chung, rồi cùng một số bạn học cùng chí hướng thành lập Hội học sinh Ái hữu Trung Kỳ, có xu hướng tiến bộ, yêu nước.

Trò chuyện với tài xế dũng cảm Trương Xuân Thức

Trò chuyện với tài xế dũng cảm Trương Xuân Thức

— 21 Tháng Năm 2017

Hồi 1 giờ 30 phút sáng 6/8/2010, khi đang vận hành Đầu máy Đổi mới ký hiệu 921 kéo tàu Thống nhất ký hiệu TN6 đi qua khu gian Phủ Lý - Đồng Văn để về ga Hà Nội, bất ngờ một chiếc xe tải biển kiểm soát 90T-6816 do tài xế Đinh Văn Tùng, ở Phủ Lý, Hà Nam điều khiển, bất ngờ băng qua đường sắt. Mặc dù tài xế Trương Xuân Thức đã kịp thời hãm phanh, nhưng hậu quả, ô tô bị biến dạng hư hỏng hoàn toàn, 3 toa bị lật khỏi đường ray, đầu máy bị bóp méo... Tài xế Trương Xuân Thức đã chấp nhận bị thương để cứu đoàn tàu, đem lại sự bình an cho hơn 300 hành khách.

Trinh Đường vị giáo sĩ tử vì Đạo...

Trinh Đường vị giáo sĩ tử vì Đạo...

— 21 Tháng Năm 2017

Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt nam đăng lại toàn bộ nội dung bài viết được đăng trên Báo Tiền Phong Online ngày 23/12/2007 của tác giả Vân Long viết về nhà văn - nhà thơ Trinh Đường khi đang trên giường bệnh trước ngày nhà thơ từ giã cõi dương gian ngày 28 tháng 9 năm 2001 tại nhà riêng của Ông ở Hà Nội. Nhà văn Trinh Đường tên thật là Trương Đình, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1919, tại thôn Đại Thắng, xã Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957).

Hoàng Sa- Trường Sa và người họ Trương

Hoàng Sa- Trường Sa và người họ Trương

— 21 Tháng Năm 2017

Hoàng Sa, Trường Sa là những quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam đã được chứng minh từ lâu trong lịch sử. Con cháu họ Trương từ lâu đã có những đóng góp không nhỏ cùng với mọi công dân đất Việt để giữ gìn dẫu một tấc đất của biên cương ngoài khơi xa. Trong những ngày này, chúng ta nhớ lại...