Đôi nét về Trương Thanh Hằng
- Sinh ngày 1/5/1986, tại TP HCM.
- Cao 1m63, nặng 48 kg.
- Là con thứ hai trong gia đình có 4 anh chị em. Hằng tập luyện điền kinh từ năm 2000 khi mới 16 tuổi. HLV Hồng Đức Phước là người thày dạy đầu tiên của Hằng. Còn người đang hướng dẫn Hằng là Hồ Thị Tú Tâm (Đà Nẵng).
- Mỗi khi tập luyện, Hằng dùng 2-3 đôi giày hiệu Nike, Adidas. Mỗi đôi có giá từ 4-5 triệu đồng và sử dụng trong 1,5-2 năm.
- Thành tích đáng chú ý: HC vàng cự ly 1.500 m, HC bạc 800 m ở giải trẻ Hong Kong mở rộng 2004; Phá kỷ lục giải vô địch quốc gia 2005 ở 1.500 m với thành tích 4'19''42 (cũ Nguyễn Lan Anh: 4'19''48 tại SEA Games 22); HC vàng SEA Games 23 ở cự ly 1.500 m với thành tích 4'18''50; HC đồng SEA Games 23 ở nội dung 800 m; 3 HCV Đại hội TDTT toàn quốc lần V ở nội dung 800, 1.500 và 5 km; Ngày 27/7, tại giải điền kinh châu Á, Hằng đã ghi tên vào bảng HC vàng ở nội dung 800 m với thành tích 2'04''77 và HC đồng 1.500 m.
Trương Thanh Hằng: 'Gác chuyện yêu để lo đường piste'
Mới bước sang tuổi 21, nhà vô địch chạy 800 m nữ châu Á đã sớm có những vinh quang. Nhưng cô gái Sài Gòn cho rằng đây vẫn chỉ mới là điểm xuất phát của sự nghiệp đỉnh cao. Với Hằng, thời điểm này chưa phải lúc nghĩ tới chuyện cá nhân.
Sự nghiệp bắt đầu bằng phần thưởng 200.000 đồng
- Chị tham gia vào môn điền kinh do yêu thích hay một dịp tình cờ?
- Nhà tôi không có ai theo nghiệp thể thao cả. Mẹ thì buôn bán, còn ba làm nghề xây dựng. Nhưng cả nhà đều ủng hộ khi tôi chơi thể thao nhất là môn điền kinh. Hằng đến với môn này thật tình cờ. Hồi học lớp 5, ở trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 2, thày giáo thấy tôi có dáng cao, khỏe nên cử đi thi giải các trường. Không ngờ lần đó tôi được huy chương bạc. Với phần thưởng 200.000 đồng, tôi rất mừng và về đã đưa cho mẹ.
Đến năm lớp 7, tôi vào đội tuyển trẻ TP HCM nên phải vào học tại Trường Nghiệp vụ TDTT. Một năm sau tôi được gọi vào đội tuyển trẻ quốc gia và phải khăn gói ra Trung tâm TDTT Trung ương III (Đà Nẵng) học cho đến nay. Lúc đầu xa nhà, mẹ phải dẫn đi. Đến khi mẹ về thì Hằng đã khóc suốt ngày. Mỗi năm tôi chỉ về nhà 2-3 lần nhưng thời gian ở nhà cũng rất ngắn, nhưng đành phải chịu vì còn phải tập luyện nữa.
Hạnh phúc nhất là khi lần đầu Hằng được đi nước ngoài. Đó là vào năm 2004, Hằng được tham dự giải trẻ Hong Kong mở rộng. Trong đêm trước khi lên đường, Hằng náo nức lắm. Tại giải này, Hằng đoạt 1 HCV cự ly 1.500 m, 1 HCB 800m.
- Chị đã vô địch chạy 800 m tại giải điền kinh châu Á vừa qua. Đây không phải là cự ly sở trường, vậy chị đã làm gì để có được tấm HC vàng cao quý này?
- Trước giải đấu này, tôi đã được các cô chú Ủy Ban TDTT và lãnh đạo Trung tâm huấn luyện Quốc gia III (Đà Nẵng) tạo điều kiện đi tập huấn ở Kunming (Trung Quốc ). Trước khi lên đường tôi cũng được các thày, cô nhất là HLV Hồ Thị Từ Tâm - người trực tiếp chỉ dẫn tôi suốt 4 năm tại Đà Nẵng - động viên thi đấu tốt.
Khi đặt chân xuống Jordan dự giải châu Á, tôi cũng không dám hy vọng nhiều, vì thời tiết ở đây khác hẳn với Việt Nam. Thi đấu lúc 17h chiều mà trời nóng, oi bức, khi chạy các VĐV Việt Nam bị khô họng khó thở, nhưng tôi vẫn cố gắng và tự nhủ hãy chạy hết mình. Và tôi đã vượt lên chính mình, dù 2'04''77 không phải thành tích tốt nhất của tôi (thành tích cũ đoạt HC đồng SEA Games 23: 2'04''65). Nhưng ở nội dung 1.500 m sau đó tôi lại không đạt được thành tích như mong đợi, khi chỉ nhận HC đồng.
- Cảm giác của chị khi đoạt HC vàng châu Á?
- Tôi cảm thấy thật sung sướng và bất ngờ vì nội dung 800 m không phải là sở trường của mình. Thời điểm ấy, tôi chỉ muốn gào thét lên để chia sẻ phần thưởng cao quý này với gia đình và những người thày và bạn bè. Thật vinh dự khi mình chính là người đứng lên bục cao nhất và cất cao quốc ca Việt Nam.
Với thành tích này, tôi hy vọng sẽ thi đấu tốt tại giải điền kinh quốc tế TP HCM sẽ diễn ra cuối tháng 8 này. Quan trọng hơn, tôi tin rằng mình sẽ mang về 2 tấm HC vàng ở cự ly 800 và 1.500 m tại SEA Games cuối năm nay tại Thái Lan. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng sẽ được tham dự Olympic Bắc Kinh 2008.
Thích món càri gà của mẹ nấu
- Trong sự nghiệp, đâu là những kỷ niệm vui buồn của chị?
- Phận gái sống xa quê thì buồn nhiều lắm. Nhưng kỷ niệm buồn nhất của tôi chính là bị đau mắt cá chân trước lúc lên đường tham dự SEA Games 2005. Khi ấy, tôi lo lắng rằng mình sẽ không có thành tích và phụ công những người chỉ bảo mình. Nhưng trong cái buồn thì nó hóa vui, vì tại giải lần đó tôi vẫn được HC vàng 1.500 m, với thành tích 4'18''50, và càng vui hơn khi thành tích này tôi đã phá kỷ lục của SEA Games 22 (của Nguyễn Lan Anh: 4'19''48) và của chính bản thân mình tại giải vô địch quốc gia 2005 (4'19''42).
-Sở thích và mơ ước lớn nhất của chị là gi?
- Dù suốt ngày chỉ biết lo tập luyện nhưng vào những giờ rảnh, tôi cũng thường nghe nhạc, xem phim, mua sắm và ăn uống... Mỗi lần về nhà tôi thích được thưởng thức món cà ri gà của mẹ nấu. Ngoài ra, ở ngoài Đà Nẵng nhưng tôi và bạn bè ngoài này rất thích muối tôm Tây Ninh của gia đình gởi ra. Còn những lúc buồn thì ra hàng Internet chat. Tôi tạo nhiều nick lắm: Hanoibuon, Danangchieumua, maimai_yeuanh... nhưng mỗi cái chát một lần vì hay quên mật khẩu.
Mơ ước lớn nhất của tôi là đạt được HC vàng trong tất cả các giải đấu mình tham dự. Đồng thời, khoảng 4-5 năm nữa, khi mà sự nghiệp vàng của VĐV qua đi thì tôi hy vọng sẽ tìm được công việc ổn định. Có thể tôi tiếp tục ở lại với nghề điền kinh để truyền lại kinh nghiệm cho đàn em sau. Ngoài ra cũng có thể nối nghề buôn bán của mẹ, hoặc mở shop bán đồ thể thao hay tiệm internet... cũng được.
Một cô gái Sài Gòn chưa biết yêu
- Thần tượng của chị là ai?
- Với tôi, chị Phạm Đình Khánh Đoan (Khánh Hòa) chính là người mình phải noi theo. Vì chị Đoan có đủ tố chất và kinh nghiệm sống mà không phải ai cũng được như chị. Hiện nay chị ấy đã giã từ sự nghiệp, nhưng trong tôi, chị Đoan vẫn là gương sống về nghề và đời cho các vận động viên trẻ.
- Có rất nhiều VĐV sau khi lập gia đình đã quyết định giã từ sự nghiệp để lo cho mái ấm riêng như Lưu Thị Thanh (cầu mây), Thúy Hiền (Wushu)…Chị thì sao?
- Mỗi người mỗi cảnh thôi. Có thể khoảng 4-5 năm nữa thì Hằng cũng sẽ phải giã từ sự nghiệp.
- Đã 21 tuổi, chuyện tình cảm của chị thế nào?
- Thời "vàng" của mỗi vận động viên, nhất là điền kinh ngắn lắm. Thế nên, chuyện yêu với tôi lúc này xin gác sang một bên vì còn phải lo tập luyện và học hết cấp 3. Lo tập luyện suốt nên công việc học tập của tôi chưa đến đâu hết. Đến ngày 18/8 này, tôi phải thi tốt nghiệp lớp 12. Có thể khoảng 25-26 tuổi thì tôi mới có thể nghĩ tới chuyện lập gia đình. Tôi là một người rất dễ tính, có thể yêu và tiến tới hôn nhân rất nhanh. Nhưng tôi rất ghét những người đàn ông dối trá, trăng hoa, nói nhiều,...Theo tôi, nếu có người chồng trong ngành chắc dễ hơn vì hiểu mình. Nhưng cũng tùy đối tượng thôi.
Bảng vàng của đoàn TTVN
(tính theo thứ tự thời gian)
1. Nguyễn Mạnh Tường, Trần Quốc Cường, Hoàng Xuân Vinh - bắn súng - đồng đội súng hơi nam 10m
2. Nguyễn Thu Vân, Đặng Thu Hương, Đặng Lê Ngọc Mai - bắn súng - đồng đội súng ngắn thể thao nữ 25m
3. Nguyễn Thu Vân - bắn súng - cá nhân súng ngắn thể thao nữ
4. Phạm Cao Sơn và đồng đội - bắn súng - đồng đội súng ngắn ổ quay 25m
5. Hoàng Xuân Vinh - bắn súng - cá nhân súng ngắn ổ quay 25m
6. Vũ Thanh Hùng, Nguyễn Tấn Nam, Nguyễn Huy Hoàng - bắn súng - 50m súng trường 3 tư thế
7. Nguyễn Duy Hoàng - bắn súng - cá nhân 50m súng trường 3 tư thế
8. Trần Thị Thua Hà, Võ Bá Đông - Sport Aerobic - đôi nam nữ
9. Nguyễn Thị Thanh Huyền - xe đạp - băng đồng
10. Trương Thanh Hằng - điền kinh - 1.500m - phá kỷ lục SEA Games
11. Vũ Thị Hương - điền kinh - 100m
12. Phạm Thị Huế - vật - tự do
13. Mẫn Bá Xuân - vật - tự do - vô địch SEA Games lần thứ 4
14. Đặng Thị Vân - vật - tự do
Nguồn: tập hợp tin trên Internet
12 năm liền là học sinh khá giỏi. Đạt học bổng VALLET năm lớp 9. Tham gia Tuổi Đời Mênh Mông. Năm 2010 Trương Thị Kim Ánh được bầu là Misteen của Đà Nẳng
Ngày 31/3/2011, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên dương Chị Trương Thị Minh Thư về thành tích đóng góp ý kiến xây dựng đất nước.
Bác sỹ Trương Văn Kỳ – Chuyên khoa cấp I Nội khoa – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã có 15 lần tham gia hiến máu tình nguyện cứu sống người bệnh, anh cũng là một trong những người tổ chức tốt và thành công những buổi hiến máu tập trung tại huyện nhà.
Ông Trương Tấn Bửu được coi là “đại thụ” của bóng đá Việt Nam. Ông đã được FIFA tặng thưởng Huân chương Công trạng
Nhiều cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM thường nhắc đến tấm gương yêu nghề và đầy nhiệt huyết của bốn chị em nhà họ Trương.