Trung tá Trương Văn Tùng Đội phó Đội CS113 tại Hà Đông

21:05 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 2393

Đi tiên phong, về lặng lẽ

Chả thế mà khẩu hiệu “3 nhất” gồm: Nhanh nhất-Mạnh nhất-Hiệu quả nhất” đã là phương châm hành động của lực lượng. Điều này càng được khẳng định và minh chứng trong năm công tác 2010 vừa qua với đầy ắp các sự kiện lớn, 444.009 tin báo với hàng chục nghìn vụ việc và đối tượng đã được CS113 kịp thời xử lý. Hàng nghìn vụ gây rối cũng được lực lượng CS113 hóa giải; phòng ngừa hiệu quả và không để xảy ra nhiều vụ án mạng hay trọng án.

Phút trải lòng của đồng chí Trưởng phòng CSTT cũng phần nào khiến tôi có thể hiểu được khi chứng kiến hình ảnh Trung úy Mai Anh Dũng thuộc Đội CS113 tay không lao vào khống chế đối tượng Nguyễn Lương Khoa, ở Bắc Giang lúc đó đang cầm dao lẩn trốn trên gác thượng tòa nhà 4 tầng. Chứng kiến vụ việc, hàng trăm người dân ở dưới và các khu nhà xung quanh lo lắng, tuy nhiên, sau cú lách người tránh mũi dao, bằng một thế võ, Trung úy Mai Anh Dũng đã khống chế và quật ngã đối tượng trước khi chiếc còng số 8 bập chặt vào hai tay hắn. Đối tượng bị dẫn giải xuống sân giao cho CAQ Hà Đông trong tiếng vỗ tay và những lời khen ngợi của người dân dành cho các chiến sỹ CS113.

Chuyện không có trong hồ sơ

Mặc dù trước khi đi tôi đã cẩn thận gọi điện thoại báo lại với Trung tá Trương Văn Tùng, nhưng mấy lần đến trụ sở của đơn vị để gặp anh tôi đều không gặp được. Theo lời anh em nói lại, cứ chuông bộ đàm reo là chiếc xe đặc chủng CS113 phóng đi rất nhanh còn khi nào muốn biết anh về thì chỉ còn cách… ngồi chờ. Cứ thế sau năm lần bảy lượt không gặp được, tôi quyết định “đột kích” đến gặp anh vào cái giờ hẹn phỏng vấn chẳng giống ai-21h đêm.

Trung tá Trương Văn Tùng cho tôi biết anh và 3 CBCS của đơn vị vừa làm xong thủ tục đưa một bà cụ tên là Nguyễn Thị Minh, quê ở Bắc Giang bị lạc con dâu và không nhớ đường về nhà sau chuyến đi chùa Hương. Vốn mắt kém lại không biết số điện thoại di động của con dâu và gia đình, trong khi tiền đã hết, bà Minh chỉ còn biết ngồi vạ vật co ro vì giá rét ở cổng bến xe Hà Đông giữa cơn mưa phùn.

Đúng lúc này thì tổ công tác của đơn vị trên đường đi giải quyết các đối tượng tụ tập đua xe, cổ vũ đua xe trái phép ở khu hồ Văn Quán, Hà Đông về liền phát hiện và đưa bà Minh về trụ sở. Ban đầu bà cụ rất lo lắng và có phần bị hoảng loạn nên nhất quyết không chịu ăn uống gì. Tuy nhiên, sau khi an ủi, động viên bà cụ ăn cơm, Trung tá Tùng và CBCS của đơn vị đã dò hỏi được địa chỉ cũng như số điện thoại của gia đình bà Minh qua lực lượng CS113 Bắc Giang để gọi điện cho người thân đến đưa bà cụ về.

Ngoài các cụ già, trẻ con đi lạc được CS113 hướng dẫn hoặc trực tiếp liên hệ đưa về tận gia đình thì có một trường hợp khiến cho các CBCS CS113 vẫn còn nhớ mãi. Vào 22h đêm 29 Tết năm ngoái, có một chị phụ nữ bế hai con nhỏ trên đường về quê bị nhỡ xe đã gõ cửa phòng trực ban của CS113 xin cho ngủ nhờ vì sợ thuê nhà trọ ở ngoài không an toàn và lo bị lừa đảo, cướp giật.

Mặc dù CS113 đã chỉ dẫn chị phụ nữ đến khu vực cho thuê nhà an toàn nhưng người phụ nữ ấy vẫn nhất định không chịu đi và còn quả quyết sẽ bế cả hai con ngồi ngủ ở cửa phòng trực ban để lỡ có chuyện gì còn được CS113 bảo vệ kịp thời. Trước tình huống này, sau khi kiểm tra kỹ giấy tờ, Đội CS113 Hà Đông đã cử một cán bộ nữ chăm sóc ba mẹ con. Sáng hôm sau, đơn vị còn lo lộ phí cho ba mẹ con họ về quê an toàn để đón Tết.

Đó là một trong rất nhiều những câu chuyện đời thường, như là một kỷ niệm đẹp, khó quên đối với những CBCS CS113. Tuy nhiên, cũng có những kỷ niệm mà mỗi khi nhớ lại khiến cho không ít CBCS CS113 phải giật mình. Trung tá Nguyễn Văn Quang-Đội phó Đội CS113 đóng ở Trung Tự tâm sự rằng, đã là CS113 thì CBCS nào cũng phải tâm niệm một điều rằng “Nhanh một phút là cứu sống được một mạng người”.

Có những đêm mùa đông ngoài trời mưa phùn, gió rít từng hồi lạnh cắt da cắt thịt, nhiều CBCS CS113 khi nhận được tin báo cấp cứu người bị tai nạn cũng chẳng kịp để ý mang theo trang bị phòng hộ. Lúc ấy chỉ nghĩ làm sao đến hiện trường thật nhanh, đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu chứ không kịp nghĩ tới việc phải đeo găng tay khi sơ cứu hay lúc ôm cõng người bị nạn để phòng ngừa sự cố.

Khi chúng tôi hỏi về thời điểm nào làm nhiệm vụ các anh cảm thấy cô đơn nhất nhưng cũng là hạnh phúc nhất? Trung tá Nguyễn Văn Quang chia sẻ: “Khi làm nhiệm vụ trong những ngày Tết, thức trắng trong đêm canh gác cho niềm vui và hạnh phúc của người dân trọn vẹn, bất giác lại thấy thương những người vợ, người mẹ và con thơ giờ này đang mong ngóng, lo lắng cho mình. Tuy nhiên, sau một đêm giữ gìn bình an cho thành phố, trở về nhà khi những hàng cây bên đường lộc xuân đã tràn căng, niềm hạnh phúc của những người chiến sỹ CS113 chúng tôi lại dâng trào”.

Hoàng Phong

Những tin cũ hơn

Trương Cửu Lập và nghề khảm sành sứ ở Cố đô Huế

Trương Cửu Lập và nghề khảm sành sứ ở Cố đô Huế

— 21 Tháng Năm 2017

Nghệ thuật khảm sành sứ giữ một vai trò quan trọng trong kiến trúc cung đình Huế. Hầu hết các quần thể di tích được công nhận là di sản văn hoá ...

Hạnh phúc của người làm khuyến học

Hạnh phúc của người làm khuyến học

— 21 Tháng Năm 2017

Mọi người thường gọi đùa người làm công tác khuyến học là “vác tù và hàng tổng”. Nhưng ông Trương Sỹ Tiến - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh ...

Lâu đài trên cát

Lâu đài trên cát

— 21 Tháng Năm 2017

Trở về nhà sau một đêm đi biển, chiều xuống anh Trương Anh Duy (xóm Bắc, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) ra bãi biển với cái xẻng trên vai, tay xách xô nước kèm theo tấm ván để xây những lâu đài trên cát.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trương Anh Kiệt - Hết lòng vì bệnh nhân

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trương Anh Kiệt - Hết lòng vì bệnh nhân

— 21 Tháng Năm 2017

Là một y tá quân y đã từng tham gia chiến đấu tại Campuchia cuối năm 1979, sau khi xuất ngũ, Trương Anh Kiệt đã hoàn tất chương trình đào tạo ...

Nhà giáo nhân dân GS.TSKH. TRƯƠNG ANH KIỆT

Nhà giáo nhân dân GS.TSKH. TRƯƠNG ANH KIỆT

— 21 Tháng Năm 2017

Là một nhà giáo, một nhà khoa học, một nhà quản lý, có địa vị trong xã hội, song thầy Kiệt sống rất thoải mái, vô tư. Nguyên tác mà có tình ...