Tình yêu thương trên quê hương "5 tấn"

10:35 - 10/10/2017 Tin tổng hợp Administrator 4471

TÌNH YÊU THƯƠNG TRÊN QUÊ HƯƠNG "5 TẤN"

Tác giả: Trương Ngọc Linh

Nhắc đến tháng 7 âm lịch, bạn nghĩ điều gì? Tôi đoán chắc có đến 90% các bạn sẽ nhớ ngay tới ngày lễ Vu Lan báo hiếu ông bà, cha mẹ - một truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của người dân đất Việt.

Thực hiện Chương trình Công tác xã hội vì cộng đồng và chào mừng kỉ niệm 72 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2017), Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phối hợp với Chùa Văn Tràng (xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) tổ chức Chương trình "Môi trường xanh và hạnh nguyện tốt lành". Tham gia chương trình có: Lãnh đạo Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; Đại diện Lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ; Đại sự quán Ấn Độ tại Việt Nam; Đại diện Thường trực huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Thái Thụy, lãnh đạo các ban ngành cùng chính quyền địa phương và bà con nhân dân cùng phật tử xã Thụy Văn về tham dự. Đặc biệt, chương trình còn có sự đồng hành của hơn 60 doanh nghiệp, doanh nhân và hội viên Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Với tấm lòng thành kính hướng về đức phật và tham dự đại lễ Vu Lan, đoàn chúng tôi vượt qua quãng đường hơn 150km từ Hà Nội về chùa Văn Tràng, Thái Thụy ngắn hơn bao giờ hết. Một chặng đường đầy nắng, mát dịu như tiết trời chuẩn bị vào thu, như lòng người thanh tịnh, nhất tâm kính lễ của tất cả các thành viên trong đoàn.

Vừa đặt chân tới chùa, chúng tôi được thầy trụ trì chùa Thích Đàm Lương đón tiếp nhiệt tình với nụ cười tươi trẻ trên môi. Trước khi vào chùa, chúng tôi dừng lại để cài trên ngực áo các bông hoa hồng để nhắc nhở về công ơn của mẹ cha. Bông hồng màu đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng trắng cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời...Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý, vì vậy, việc tưởng nhớ đấng sinh thành và cài lên ngực hoa hồng cao quý là tình cảm chân thành của trái tim mỗi con người chúng ta, thể hiện sự kính trọng, biết ơn sâu sắc đến ông bà, cha mẹ. Tôi may mắn được cài trên mình bông hồng đỏ thắm. Một cảm giác vui mừng, bâng khuâng chợt lạ!

Tối ngày 03/9, tại Chùa Văn Tràng, hàng nghìn người dân và các tăng ni, phật tử trên địa bàn xã Thụy Văn nói riêng và huyện Thái Thụy nói chung, cùng Đoàn chúng tôi được tham dự Lễ hội thả đèn hoa đăng. Lễ hội được tổ chức 2 năm một lần, đây là lần thứ hai kể từ khi thành lập chùa, do vậy có rất đông người tới tham dự. Hôm đó, lần đầu tiên tôi được tham gia thả đèn hoa đăng. Trước đây, tôi chỉ nhìn thấy những ngọn hoa đăng trên sách ảnh nhưng cảm giác tự tay mình thả, hào hứng và thú vị vô cùng! Từng ngọn đèn trôi theo dòng sông, xuôi theo làn gió và trở về với biển cả bao la. Nhìn những ngọn đèn tỏa sáng, tôi thấy sự tương đồng giữa chúng và thời gian: Trong hàng nghìn ngọn hoa đăng lung linh trên dòng sông, ta không thể nhận ra được ngọn đèn của mình, trong dòng chảy thời gian trôi nhanh, con người ta không thể ở một thời điểm hai lần, vậy nên, hãy sống với cha mẹ bằng cả trái tim yêu thương và kính trọng. Thật hạnh phúc biết bao khi những ai trong chúng ta đang còn cha mẹ.

Trong hơi thở gấp gáp của cuộc sống hiện đại, tôi cũng đã có những phút sao nhãng mà quên nghĩ về cha mẹ - những bậc sinh thành kính quý. Vì vậy, ngày Vu Lan báo hiếu tháng 7 Âm lịch cũng là dịp để chúng ta sống chậm lại, nghĩ đến tình yêu thương của cha mẹ nhiều hơn và không quên gửi gắm vào đó tình cảm, hành động thiết thực hướng tới những số phận nghèo khó, không may mắn xung quanh mình.

Những đóa hoa đăng xa dần, tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng, vui vẻ và thanh thản đến lạ kỳ. Hóa ra, triết lý đơn giản mà sâu xa của đạo Phật "Từ, bi, hỷ, xả" cũng là tiếp bước dòng chủ lưu của đạo lý dân tộc ngàn đời: "Uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Kết thúc buổi lễ thả đèn hoa đăng, chúng tôi cùng người dân địa phương được thưởng thức các tiết mục văn nghệ nổi tiếng của vùng đất Thái Bình, đó chính là tiếng hát chèo truyền thống. Những giọt nước mắt, những nụ cười của người xem hòa theo tiết tấu biểu diễn đặc sắc của các nghệ sỹ thuộc Đoàn chèo Thái Bình mà phát ra tự nhiên, chân thực.

Tối đó, chúng tôi nghỉ tại chùa. Khi màn đêm khép lại, những âm thanh tĩnh lặng, tiếng gió thổi vi vu, tiếng lá cây bồ đề xào xạc tạo nên một bản nhạc đồng quê sâu lắng, thiết tha, đầm ấm. Bản nhạc này khiến bao mệt mỏi của chuyến đi, những vấn vương công chuyện còn dang dở trước kì nghỉ lễ, phút chốc, vụt biến tan để lại một sự chân tâm thanh tịnh hướng về đạo Phật, hướng về mẹ cha, nguồn cội. 4g sáng, tiếng mõ tụng kinh, tiếng chuông chùa bắt đầu ngân vang, từng bài giảng – bài kinh của đức Phật bỗng nhiên gần gũi dễ hiểu với các phật tử "không chuyên" chúng tôi. Một lòng hành lễ dưới sự chứng giám của đức Phật, hòa cùng giọng kinh sang sảng của nhà sư Thích Đàm Hương, tiếng kinh vang vọng khắp làng quê Thụy Văn thanh bình.

Ngay từ sáng sớm, thời tiết như ủng hộ Ban tổ chức chương trình với những cơn gió mát rượi từ cánh đồng thổi về chùa, chan hòa dưới ánh nắng sớm mai thanh khiết. Bà con nơi đây tập trung về rất đông, những mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sỹ được con cháu đưa đi từ lúc nắng còn chưa lên. Các mẹ tranh thủ vãn cảnh chùa, vào tạ lễ và ra ghế ngồi chờ buổi lễ. Trên con đường nhỏ dẫn vào chùa, các em học sinh mặc áo trắng khăn quàng đỏ phấp phới tung bay. Những ánh mắt long lanh rạng ngời, những nụ cười thường trực trên môi người dân nơi đây. Tất cả những điều đó hòa quyện, khiến chúng tôi thêm vững tin vào hành trình thiện nguyện tại chùa Văn Tràng lần này, cũng là động lực để chúng tôi thực hiện thêm nhiều chuyến thiện nguyện trong thời gian tới.

Đến 7g30 sáng ngày 04/9, chương trình được tiếp tục với Lễ tri ân các mẹ Việt Nam anh hùng, các mẹ liệt sĩ và tặng quà các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên học giỏi.

Buổi lễ nhận được sự quan tâm của Giáo hội phật giáo huyện Thái Thụy, Hội tăng ni tỉnh Thái Bình với các đại biểu về tham dự. Tại đây, Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã trao nhiều suất quà với trị giá 500.000đồng/suất tới các mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ và học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn xã Thụy Văn.

Cũng tại Đại lễ, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã trao Quyết định công nhận "Ngôi chùa xanh" cho chùa Văn Tràng, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Chúng ta không quên các đây 4 năm, vào năm 2013, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã về thăm và trồng cây Bồ đề có nguồn gốc từ đất Phật tại khuôn viên chùa. Mới ngày nào, cây Bồ đề còn thấp nhỏ mà nay cây đã xanh tốt vươn ra tận sân chùa, tán cây chiếm một khoảng lớn giữa hai giếng nước, tạo bóng mát cho phật tử nghỉ chân.

Kết thúc Chương trình đại lễ là bữa thụ trai với thực đơn đồ chay ấm cúng trong khuôn viên chùa, người người vui mừng hoan hỉ.

Mỗi người đến chùa đều mong muốn sự thanh tịnh, an yên cho bản thân, gia đình và những người thân yêu. Còn gì tốt hơn việc thiện nguyện và hạnh nguyện song hành với nhau. Phật tại tâm, mọi người chung tay hướng cái "tâm" đó vì xã hội, cộng đồng. Theo Tiến sỹ Trương Thanh Tùng – Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết: "Truyền thống "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, giữ gìn theo suốt chiều dài lịch sử đất nước. Viết tiếp truyền thống đó, hôm nay, Trung ương Hội Kinh tế môi trường Việt Nam có mặt tại chùa Văn Tràng để hướng về Vu Lan, tri ân những hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng. Xin cảm ơn các mẹ đã hiến tặng những gì quý nhất, thiêng liêng nhất của tình mẫu tử cho đất nước có hòa bình, độc lập hôm nay. Tất cả chúng ta có mặt hôm nay chính thức trở thành đại sứ luôn công hiến trí tuệ, vật chất tinh thần cho các chương trình từ thiện xã hội một cách say mê và đầy trách nhiệm".

 

 

Những tin cũ hơn

Niềm tự hào

Niềm tự hào

— 02 Tháng Mười 2017

Thay mặt hội đồng họ Trương Việt Nam Ông Trương Thanh Tùng đã trao tặng Trương Thị Kim Tuyền kỷ niệm chương và phần quà cho thành tích xuất sắc, niềm tự hào của thể thao Việt Nam.

ASEAN Para Games 9: Đoàn Việt Nam tạm xếp thứ 4 trên Bảng xếp hạng

ASEAN Para Games 9: Đoàn Việt Nam tạm xếp thứ 4 trên Bảng xếp hạng

— 22 Tháng Chín 2017

Môn thi đấu chủ lực thứ 2 của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam là Điền kinh cũng đã mang về 2 tấm Huy chương Vàng do công của Kiều Minh Trung (hạng thương tật F55) ở môn ném lao nam với thành tích 27,35m và Trương Bích Vân (hạng thương tật F55) ở môn ném lao dành cho nữ.

Vợ chồng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ăn cơm 2.000 đồng

Vợ chồng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ăn cơm 2.000 đồng

— 19 Tháng Chín 2017

Lần đầu đến quán cơm từ thiện ở quận 1, TP HCM, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hỏi thăm nhiều người nghèo, sinh viên...

Ông Trương Đình Tuyển: Việt Nam nên nghiên cứu bỏ lương tối thiểu

Ông Trương Đình Tuyển: Việt Nam nên nghiên cứu bỏ lương tối thiểu

— 14 Tháng Chín 2017

" nếu coi lương tối thiểu là chính sách xã hội thì "không đúng". Trong thực tế, nếu tăng lương tối thiểu thêm 50%, người lao động vẫn không đủ sống, do vậy các cơ quan chức năng nên nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng thì được tăng lương."

10 phát ngôn ấn tượng của ông Trương Tấn Sang

10 phát ngôn ấn tượng của ông Trương Tấn Sang

— 04 Tháng Chín 2017

Điểm lại những phát ngôn ấn tượng của ông Trương Tấn Sang trong nhiệm kỳ chủ tịch nước 2011-2016.