THIẾU SOÁI TRƯƠNG HỌC LƯƠNG VÀ VỤ BẮT CÓC TƯỞNG GIỚI THẠCH

00:15 - 26/05/2017 Tin tổng hợp Admin 15770

 Vị Thiếu soái lừng danh
“Nhà tôi trên sông Tùng Hoa miền Đông Bắc, nơi ấy có nhiều rừng núi và mỏ than ...” - mỗi lần nghe khúc ca quen thuộc của người dân Đông Bắc Trung Hoa về những năm 30 thế kỷ 20, trong lòng ông lão người Hoa đã qua trăm tuổi đang định cư tại Honolulu, Hawaii, Mỹ, lại bùng lên bao nỗi niềm thương nhớ cố hương mà ông đã phải xa rời từ thời trai trẻ, không bao giờ được quay trở về. Ông lão ấy chính là Thiếu soái Trương Học Lương lẫy lừng một thuở. Ngày 3-6-2000 là sinh nhật lần thứ 100 của ông, cuộc đời trăm năm với bao sóng gió cứ cuồn cuộn hiện về trong ký ức...

“Học theo Trương Lương”
Thân phụ Trương Học Lương là Trương Tác Lâm, một thủ lĩnh quân phiệt hùng mạnh chiếm cứ cả miền Đông Bắc rộng lớn của Trung Quốc. Ông từng kéo quân về khống chế Bắc Kinh, được tôn xưng là “Đông Bắc Vương”.  Sau ông đem quân về thần phục triều Thanh để cùng hợp sức chống Nhật, nhưng vẫn giữ vị thế độc lập với lực lượng quân sự hùng mạnh. 
Ngày 3-6-1901, chính thất phu nhân của Tác Lâm là Triệu thị sinh hạ một trai, đặt tên là Trương Học Lương, ý là học theo Trương Lương-vị mưu sĩ khai quốc công thần triều Hán, hiệu là Hán Khanh. Lương từ nhỏ thông minh, rất được phụ thân yêu thương. Tuổi thanh niên, Học Lương có phong độ tao nhã, cùng với Chu Ân Lai, Uông Tinh Vệ, Mai Lan Phương (nghệ sĩ kinh  kịch nổi tiếng) được tôn xưng là “Tứ đại mỹ nam tử” thời Dân quốc. 
Ngày 4-6-1928, Trương Tác Lâm bị quân Quan Đông của Nhật bắn chết khi đang thị sát khu đường sắt ngoại ô Thẩm Dương. Trương Học Lương thừa kế nghiệp cha trở thành người thống trị miền Đông Bắc. 

Thiếu soái Trương Học Lương lúc mới 29 tuổi

Ông ra sức phát triển kinh tế vùng này, thực hiện cải cách quân sự, chính trị, khiến “quân Đông Bắc” trở nên một lực lượng quân sự đáng gờm trong tình thế “quần hùng cát cứ” ở Trung Quốc. 
Vì sự thống nhất nước nhà, Trương Học Lương xuất phát từ đại cuộc, trong ngày nhậm chức ông gửi thông điện đến Tưởng Giới Thạch và các phe phái khác nêu rõ tôn chỉ của mình là yêu nước yêu dân, quyết không ngả theo Nhật. Và cũng chính vì thế, ngày 19-12-1928, Học Lương vẫn quyết định đem quân Đông Bắc phục tùng hiệu lệnh Chính phủ Quốc dân của Tưởng Giới Thạch, tránh cho Trung Quốc rơi vào cuộc chiến nồi da xáo thịt khi đang ngả nghiêng trước hiểm họa bị Nhật Bản thôn tính.

Thiếu soái trẻ nhất Trung Hoa
Ngày 18-9-1930, cuội đại chiến ở Trung nguyên giữa Tưởng Giới Thạch với Diêm Tích Sơn, Phùng Ngọc Tường bùng nổ. Trương Học Lương kéo quân về dập tắt cuộc nội chiến, giúp Tưởng thống nhất, lại giải tán các phe phái của Uông Tinh Vệ. Trương Học Lương được phong Thiếu soái, phó Tổng Tư lệnh Hải - Lục - Không quân Trung Hoa. Lúc ấy ông mới 29 tuổi. 
Năm 1931, Nhật tấn công chiếm lĩnh Đông Bắc đưa Phổ Nghi lên lập nhà nước Mãn Châu. Nhật đưa ra yêu cầu đóng cửa công sở và triệt quân trấn thủ của Trung Quốc ở Hà Bắc cùng nhiều yêu sách khác.  Sau đó, Nhật tấn công Thượng Hải, tiến tới chiếm lĩnh toàn Trung Quốc. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, dân tộc lâm nguy, Trung Quốc vẫn liên tục xảy ra nội chiến.
Tưởng Giới Thạch chủ trương thoái lui nhượng bộ quân Nhật, đề xuất phương sách thống nhất nội chiến bằng võ lực, “Muốn chống ngoài tất phải an trong”. Vì thế, ngày 18-9-1931, quân Nhật gây “Sự biến 18-9”, pháo kích vào đại bản doanh Thẩm Dương mà không bị chống trả nên đã dễ dàng chiếm lĩnh nơi đây. Cả miền Đông Bắc rộng 1,3 triệu km2, hơn 30 triệu đồng bào bị quân Quan Đông khống chế. 

Trương Học Lương (trái) và Tưởng Giới Thạch trước sự biến Diên An

Tháng 10-1936, Hồng quân của Mao Trạch Đông thực hiện “Vạn lý trường chinh” tiến đến Thiểm Bắc. Tưởng gấp rút điều động Trương Học Lương chỉ huy quân Đông Bắc, Dương Hổ Thành chỉ huy quân Tây Bắc, Hồ Tông Nam chỉ huy quân Trung ương cùng tiến lên Thiểm Bắc thực hiện chiến dịch “Tây Bắc sào Cộng” đánh nhau với Hồng quân. Trương Học Lương cám cảnh nỗi nhục nước mất nhà tan, người trong nước xâu xé lẫn nhau nên tìm mọi cơ hội để khuyên can Tưởng Giới Thạch đình chỉ nội chiến, một lòng chống Nhật. Phía ĐCS cũng nhiều lần đề nghị hợp tác, nhưng đều bị Tưởng cự tuyệt...
Đầu tháng 12-1936, Tưởng Giới Thạch sau khi làm lễ mừng thọ lần thứ 50 thì về phân hiệu Trường Quân sự trung ương Quốc dân đảng ở cố đô Lạc Dương nghỉ ngơi. Tại đây, Tưởng tiến hành hội đàm quân sự bí mật, thôi thúc 3 cánh quân chủ lực tấn công trận cuối cùng với Hồng quân. Lúc này trùm mật vụ Đới Lạp vừa từ Nam Kinh đến, vội vàng trao cho Tưởng một tin tình báo quan trọng: Trương Học Lương đang bí mật tiếp xúc với một số yếu nhân của Hồng quân. Tưởng lập tức chỉ thị Đới Lạp làm rõ việc này.
Nhưng vì lúc này trong đầu Tưởng Giới Thạch tràn ngập những tin tình báo của đặc vụ về việc Trương Học Lương và Dương Hổ Thành “bất hòa”, “xung đột”, song Tưởng tin ở Học Lương là người trung nghĩa, quyết không làm phản Tưởng, do đó không để tâm đến tin báo thuộc loại “binh gián”của Đới Lạp.

Trương Học Lương và vợ chồng Tống Mỹ Linh-Tưởng Giới Thạch sau sự biến Diên An

Ngày 9-12-1936, tại Tây An hơn 10.000 học sinh sinh viên biểu tình thỉnh nguyện, yêu cầu đình chiến. Tưởng bèn cho quân đội vây phòng ở Lâm Đồng, lại lệnh cho Trương Học Lương và Dương Hổ Thành đem quân đàn áp. Học Lương thấy tình thế nguy cấp, một mặt ra sức khuyên can học sinh sinh viên, một mặt cùng Hổ Thành thuyết phục Tưởng một lần cuối cùng nhưng không thành...

Phát động binh biến, bắt cóc Tưởng Giới Thạch
Ngày 12-12-1936, mọi đường dây liên lạc giữa Tây An và Nam Kinh đột nhiên bị cắt đứt toàn bộ. Trên báo chí cũng không có bất cứ tin tức gì về ủy viên trưởng Tưởng Giới Thạch đang thị sát Tây An. 
Đến 1h chiều, Đới Lạp bất ngờ nhận được báo cáo của Giang Hùng Phong cho biết Trương Học Lương, Dương Hổ Thành đã bất ngờ phát động binh biến, bao vây Hoa Thanh Trì, bắt Tưởng Giới Thạch đưa đại lâu Tân Thành.
Tiếp đó là thông điện của Trương Học Lương gửi toàn thể quốc dân, giải thích việc bắt cóc Tưởng Giới Thạch nhằm tạo áp lực để hai đảng thống nhất, kêu gọi toàn quốc đoàn kết một lòng chống Nhật, đề xuất 8 yêu cầu để đình chỉ nội chiến, tiến hành hội nghị cứu quốc... Đồng thời mời đoàn đại biểu của ĐCS Trung Quốc dẫn đầu là Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh, Tần Bang Hiến đến Tây An tham gia đàm phán giải pháp hòa bình. 
Ngay lập tức, tất cả các ủy viên Trung ương tại Nam Kinh triệu tập hội nghị thường vụ khẩn cấp tại Dinh Tổng trưởng Hà Ứng Khâm. Do các tướng lĩnh ở Nam Kinh hầu hết là phe thân Nhật, Nhật không cho Nam Kinh thỏa hiệp với Trương Học Lương và hỗ trợ cho cuộc nội chiến. Hội nghị quyết định tạm thời đưa Phó Viện trưởng Khổng Tường Hy lên thay mặt Tưởng Giới Thạch, bổ sung Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ trưởng lục quân Hà Ứng Khâm làm Chỉ huy trưởng quân đội. Hội nghị cũng quyết định tước bỏ mọi chức vụ và truy bắt Trương Học Lương, chuẩn bị quân lực thảo phạt quân phiến loạn, ném bom Tây An... Nguy cơ một cuộc nội chiến dữ dội sắp bùng nổ. 

Tống Mỹ Linh hành động
Giữa lúc ấy, Tưởng phu nhân Tống Mỹ Linh từ Thượng Hải bay đến Nam Kinh. Khi biết tình thế chủ chiến của bọn Hà Ứng Khâm, Mỹ Linh rất tức giận vì vừa lo nội chiến vừa sợ nguy hiểm đến tính mạng chồng mình. 
Bà lập tức hành động theo kiểu gió lốc, phủ đầu bọn Hà Ứng Khâm là hồ đồ trong việc quyết định xử tội Trương Học Lương và động quân thảo phạt Tây An, truy cứu trách nhiệm của chúng nếu xảy ra nội chiến… 
Không phải là người phụ nữ thiển cận, Tống Mỹ Linh biết rằng cuộc binh biến lần này không giống với những lần khác mà nó liên quan đến cả thế giới, nhất là các nước ngoại giao với chính phủ Quốc dân, đặc biệt là sự tài trợ rất lớn về kinh tài của Anh, Mỹ.  Nếu để xảy ra nội chiến thì vàng đá tan nát, chính phủ chưa chắc đã còn mà Tưởng Giới Thạch thì hiển nhiên mất mạng.
Ngoại trừ Nhật Bản, các nước đều ủng hộ thái độ của Tống Mỹ Linh vì thấy rõ Nhật đang bức bách Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của họ. Lúc ấy Liên Xô đang tập trung đối phó với phát xít Đức, mong muốn chính phủ Tưởng liên quân với Đảng cộng sản chống Nhật để họ phỏi phải tác chiến hai chiến trường một lúc. Vì vậy Liên Xô yêu cầu Trương Học Lương thả Tưởng, chấm dứt nội chiến. Bên ĐCS Trung Quốc thì sẵn sàng hợp tác, cử Chu Ân Lai dẫn đầu đoàn đại biểu đến Tây An hỗ trợ Trương Học Lương giải quyết sự biến. 

Vào hang cọp
Ngày 14-12, Tống Mỹ Linh nhờ Khổng Tường Hy liên lạc với Trương Học Lương để đưa cố vấn của Tưởng Giới Thạch là Đoan Nạp cùng Huỳnh Nhân Lâm đến Tây An thăm dò tình hình.  Hai “sứ giả” cũng chuyển lời Tống Mỹ Linh khuyên Tương Giới Thạch “đình chỉ nội chiến, một lòng kháng Nhật”.
 Tưởng Giới Thạch từ lúc biết mình bị bắt cóc thì tỏ thái độ bất hợp tác, không hội đàm với Trương Học Lương. Đến khi Đoan Nạp đến trình bày sự tình, đưa thư của Tống Mỹ Linh nói rõ âm mưu của phe thân Nhật Hà Ứng Khâm muốn mượn cơ hội này để diệt Tưởng, Tưởng mới thay đổi thái độ, nhưng vẫn không chịu hợp tác. 

Trương Học Lương với phu nhân Triệu Tứ trong lễ mừng thọ 90 tuổi

Do thái độ của Tưởng, ngày 16 -12, Tổng Tư lệnh Hà Ứng Khâm phát lệnh cho không quân thả bom xuống vùng gần Tây An, đưa mười mấy sư đoàn quân trung ương tiến về Tây An. Tình thế rất nghiêm trọng, nội chiến sắp bùng nổ. Lúc này Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh, Tần Bang Hiến đến Tây An hội đàm với Trương Học Lương, Dương Hổ Thành. Hồng quân cũng đồng thời phái Bành Đức Hoài thống lĩnh quân chủ lực đến đóng ở Diên An, Đồng Quan phối hợp chống quân Hà Ứng Khâm. 
Nhưng Tưởng Giới Thạch vẫn không chịu đàm phán, Tống Mỹ Linh vội cử Đoan Nạp đến Tây An lần nữa để báo cáo tình hình. Sợ nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng muốn tạo áp lực cho Trương, Dương sớm thả mình ra, Tưởng chỉ ra lệnh cho Hà Ứng Khâm đình chiến trong 3 ngày. Quân Nhật lúc này công khai viện trợ quân sự cho chính phủ Nam Kinh tấn công Trương, Dương.  Vì thế Hà Ứng Khâm đành quyết tâm hành động quân sự quy mô.

Tống Mỹ Linh ra tay 
Trước tình hình này, Tống Mỹ Linh biết chỉ có bà là người duy nhất có thể khuyên can Tưởng thay đổi thái độ, đồng ý đàm phán.  Bà quyết định cùng Tống Tử Văn đến Tây An. Phe thân Nhật không ai đồng ý, ra sức ngăn cản, cho rằng chuyến đi này là vào hang hùm, quá mạo hiểm, chắc chắn sẽ bị Trương Học Lương bắt giam. 
Trùm mật vụ Đới Lạp nghe tin Tưởng phu nhân quyết định đến Tây An thì vô cùng lo sợ, phần thì biết nhiệm vụ tình báo của mình không xong để Tưởng bị bắt cóc, phần thì lo chuyến đi này lành ít dữ nhiều. Tuy nhiên, vốn là con người nhạy bén, Đới vẫn đủ tỉnh táo phân tích và nhìn ra các yếu tố an toàn.
Một là Trương Học Lương, Dương Hổ Thành đồng ý cho anh em họ Tống đến Tây An thăm Tưởng là thể hiện có hy vọng giải quyết sự biến bằng hòa bình. 
Hai là Trương Học Lương với Tống Tử Văn có quan hệ thân thiết.  Phu nhân của Trương - Vu Phụng Chí là con gái nuôi của Tống lão phu nhân Nghê Quế Trân; cha con họ Trương có quan hệ mật thiết với anh em họ Tống. Hai tầng quan hệ như thế thì Trương sẽ không nỡ hạ thủ.
Ba là bản thân Đới Lạp với Trương Học Lương cũng là chỗ quen biết lúc xưa. Trương vốn trọng nghĩa khí, quý tình bạn, có phong thái của hiệp khách, dù thế nào cũng không thể giết Đới. 
Ngày 22-12-1936, Tống Mỹ Linh, Tống Tử Văn, Đoan Nạp, Đới Lạp, đầu bếp và người hầu của Mỹ Linh cùng phi công, 7 người từ sân bay Nam Kinh lên 1 chiếc Focker bay thẳng đến Tây An.
Tưởng Giới Thạch vẫn còn nghi ngờ Trương Học Lương gây binh biến để hại mình cướp binh quyền nên suốt thời gian bị giam lỏng luôn tỏ thái độ bất hợp tác, không nói chuyện, thậm chí tuyệt thực. Vì vậy khi thấy Tống Mỹ Linh “liều lĩnh vào hang cọp” thăm mình thì thất kinh: “Sao phu nhân lại đến nơi này?”. 
Nói rồi lắc đầu, sa nước mắt. Mỹ Linh vội trấn an, kể rõ tình thế của chính phủ Nam Kinh và âm mưu của phe thân Nhật muốn nhân dịp này để hại Tưởng, nói rõ mục đích của Trương Học Lương, Dương Hổ Thành và bên ĐCS là muốn cùng hợp tác chống Nhật chứ không có ý gì khác. Vấn đề hiện tại là phải giải quyết ổn thỏa sự biến, Mỹ Linh quyết định đại diện cho Tưởng Giới Thạch để hội kiến với bất cứ ai mà Tưởng không gặp.

Trương Học Lương lúc 98 tuổi

Ngày 23-12-1936, Tống Tử Văn, Tống Mỹ Linh có cuộc đàm phán với phái đoàn đại biểu của ĐCS Trung Quốc, đứng đầu là Chu Ân Lai. Tiếp đó, ngày 24-12, Tưởng Giới Thạch, Trương Học Lương, Dương Hổ Thành hội đàm với ĐCS. Hai bên thống nhất quan điểm là chấm dứt nội chiến, cùng nhau chống Nhật. Tuy Tưởng Giới Thạch không ký vào hiệp nghị đàm phán nhưng hứa lấy “tư cách lãnh tụ” đảm bảo sẽ chấp hành hiệp nghị sau khi trở về Nam Kinh. Như vậy sự biến Tây An đã thành công. 

Số phận bậc danh tướng
Trước đó, để quyết định vận mệnh của Tưởng Giới Thạch, Trương Học Lương đã chủ trì hội nghị các tướng lĩnh cao cấp quân Đông Bắc và lộ quân 17. Họ thảo luận rất nhiều lần về việc đưa Tưởng trở về Nam Kinh. Nhiều người lo rằng sau khi thả về Nam Kinh thì Tưởng sẽ không chấp hành “đình chỉ nội chiến, một lòng kháng Nhật”, vì thế không thống nhất ý kiến. 
Trương Học Lương thấy sự việc càng kéo dài càng thêm rắc rối, nên nói: “... Tôi vì cái gì mà dám phạm tội đại nghịch, dám bắt Tưởng Giới Thạch giam ở Tây An? Mục đích là nhằm đi đến “đình chỉ nội chiến, một lòng chống Nhật”. 
Nếu chúng ta cứ trù trừ  không quyết, không nhanh chóng đưa Tưởng về Nam Kinh thì cuộc nội loạn ở Trung Quốc còn lớn hơn hiện nay rất nhiều. Nếu vì tôi làm cho quốc gia nội loạn thì tôi là thiên cổ tội nhân. Nếu vậy thì tôi sẽ tự sát, tạ tội với quốc dân”. Cả hội trường đều cảm kích tấm chân tình của Trương Thiếu soái, nhất trí đưa Tưởng trở lại Nam Kinh.
Chiều ngày 25-12-1936, gió tây bắc lạnh lùng cuốn cát vàng phủ kín cố đô Tây An. Trên sân bay Tây An, Tưởng Giới Thạch cùng anh em họ Tống lên máy bay an toàn trở về Nam Kinh. Dù rất nhiều người ngăn cản, trong đó có cả Chu Ân Lai ra đến sân bay khuyên ngăn, nhưng Trương Học Lương vẫn khẳng khái hộ tống Tưởng về Nam Kinh để bảo đảm uy tín cho lãnh tụ. 

Hơn nửa thế kỷ bị cầm tù
Ngày 7-7-1937 xảy ra sự biến Lư Câu Kiều, Trung Quốc bước vào giai đoạn toàn quốc chống Nhật. Đây là ngày mong đợi của Trương Học Lương. Nhưng tiếc thay cũng ngày này Tưởng Giới Thạch trở mặt, ra lệnh bắt giam Trương Học Lương, mở tòa án quân sự xử Học Lương 10 năm tù khổ sai. Sau đó ông được Tưởng “đặc xá” nhưng lại giao cho quân ủy “quản thúc nghiêm ngặt”. 
Do chiến cuộc biến đổi ác liệt, Trương Học Lương bị đưa đi khắp các nhà giam ở Nam Kinh, Triết Giang, An Huy, Giang Tây, Hồ Nam, Quý Châu... Phu nhân ông là Vu Phụng Chí cũng theo chồng phiêu bạt khắp nơi. Năm 1940 Vu Phụng Chí bị ung thư vú không thể theo chồng được nữa, phải tìm cách sang Mỹ chữa trị và vĩnh viễn chia tay. Người bạn gái của Trương Học Lương là tiểu thư Triệu Tứ thay Vu phu nhân chăm sóc Trương. 
Ngày 2-11-1946, Trương Học Lương bị giải đến Trùng Khánh rồi bí mật đưa sang Đài Loan giam ở Ôn Tuyền, sau chuyển sang Âm Dương Sơn gần Đài Bắc. Mùa xuân năm 1959, tuy đã hết hạn “quản thúc” như Tưởng Giới Thạch vẫn lấy lý do “bảo vệ” để tiếp tục giao cảnh sát giam lỏng trong một biệt thự  ở bắc Đài Bắc. 
Ngày 4-7-1963 Trương Học Lương (64 tuổi) kết hôn với tiểu thư Triệu Tứ (52 tuổi) sau 36 năm hoạn nạn bên nhau. Triệu Tứ tức Triệu Ỷ Hà, con gái của Thứ trưởng Bộ Giao thông của chính phủ Bắc Dương Triệu Khánh Hoa. Năm 16 tuổi cô bỏ nhà theo Học Lương gây xôn xao dư luận một thời, khiến Triệu Khánh Hoa phải tuyên bố từ con. 
Năm 1961, trong kỷ niệm 25 năm “Sự biến Tây An”, khi người em thứ 4 của Trương Học Lương là Trương Học Tư - đang giữ chức Phó Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc - đến kính rượu Thủ tướng Chu Ân Lai, Chu Thủ tướng chảy nước mắt nói: “Đã 25 năm rồi, Dương tiên sinh hy sinh cả nhà 4 người, còn Trương tiên sinh vẫn còn bị cầm tù ở Đài Loan, làm sao không khiến mọi người đau lòng vì họ chứ!”.

Anh hùng di hận...
Ngày 5-4-1975 Tưởng Giới Thạch qua đời.  Khi sắp mất ông ta vẫn còn dặn con là Tưởng Kinh Quốc rằng: “Trương Học Lương là “hổ trong lưới”, không được thả về”. Nhưng Tưởng Kinh Quốc vốn trọng Học Lương nên để cho ông được sống tự do hơn. Ngày 20-10-1980, được Tưởng Kinh Quốc sắp xếp, Trương Học Lương lên chiếc chuyên cơ đến đảo Kim Môn tham quan. Đứng trên mỏm Cổ Ninh - nơi gần đại lục nhất, Trương Học Lương đứng trước kính viễn vọng nhìn về tổ quốc và khóc, chỉ nói được một câu:“Phong cảnh đẹp quá!”. 
Ngày 1-6-1990, lễ thượng thọ 90 tuổi của Trương Học Lương được tổ chức long trọng tại nhà hàng Viên Sơn, Đài Bắc. Từ đây Trương Học Lương mới thật sự được tự do. Các hãng thông tấn các nước đua nhau đến phỏng vấn ông. Trả lời phỏng vấn của đài NHK Nhật Bản, Trương Học Lương nói rằng, ông biết là về Nam Kinh sẽ bị Tưởng cầm tù, nhưng vẫn quyết đi. “Tôi là một quân nhân, tôi làm và chịu trách nhiệm về sự biến Tây An, đồng thời tôi phản đối nội chiến, dù hy sinh cũng chẳng quản”. 

Ông gởi lời nhắn đến thanh niên Nhật Bản rằng: “Tôi không muốn các bạn trẻ Nhật Bản phạm sai lầm như cha anh trước đây. Không nên dùng vũ lực, dùng vũ lực không giải quyết được bất cứ vấn đề gì, bài học này lịch sử đã dạy chúng ta”. Đánh giá về Chu Ân Lai, Trương Học Lương cho biết: “Tôi và Chu đều từng học ở Đại học Nam Khai, Thiên Tân. Trước đây có nghe tên của ông ấy. Trong “Sự biến Diên An” dù lần đầu tiên gặp mặt nhưng thân tình như bạn cũ, ý hợp tâm đầu. Chu là người phản ứng rất mau lẹ, hiểu vấn đề sâu sắc, nói một lời là thấu tận tâm can”. 
Năm 1995, Trương Học Lương và phu nhân sang định cư ở Hawaii, Mỹ. Ông rất mong muốn được trở về quê cũ Đông Bắc một lần cuối nhưng không thể thực hiện. Ngày 28-5-2000 được chọn làm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trương Học Lương và 88 năm ngày sinh của Triệu Tứ. Nhân dịp này, Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc Giang Trạch Dân đã gởi điện và lẵng hoa chúc mừng. 
Chủ tịch chính trị hiệp thương Trung Quốc Lý Thụy Hoàn cũng gởi thư và hoa chúc thọ. Nhưng đáng tiếc là 10 ngày sau đó bà Triệu Tứ bị ngã và lâm bệnh nặng rồi qua đời. Trương Học Lương rất đau xót, thường ngồi xe lăn lặng lẽ không nói. Ngày 15-10-2001, Trương Học Lương từ giã cõi đời, chấm dứt 101 năm phong ba tại thế. Quỹ ngân hàng thế giới đã quyên 100 triệu USD để xây dựng Công viên tướng quân Trương Học Lương và Nhà văn hóa Trương Học Lương tại Honolulu. Ngày 23-10-2003, Tống Mỹ Linh cũng qua đời ở New York, thọ 106 tuổi. Hai con người này có thể nói là “phong vân nhân vật” nổi tiếng và sống thọ nhất trong lịch sử chính trị - quân sự Trung Quốc. 

 

Những tin cũ hơn

Ông Trương Đình Tuyền: TPP Không có Việt Nam thì không có ý nghĩa gì

Ông Trương Đình Tuyền: TPP Không có Việt Nam thì không có ý nghĩa gì

— 26 Tháng Năm 2017

Ngày 1/11/2015 ( tức ngày 20/9 Ất Mùi) Hội đồng họ Trương Việt Nam tổ chức lễ dâng hương tại đền thờ Cụ Trương Hán Siêu do ông Trương Văn Đoan, Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam (Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư) làm trưởng đoàn...

NGUỒN CỘI

NGUỒN CỘI

— 26 Tháng Năm 2017

Ngày 1/11/2015 ( tức ngày 20/9 Ất Mùi) Hội đồng họ Trương Việt Nam tổ chức lễ dâng hương tại đền thờ Cụ Trương Hán Siêu do ông Trương Văn Đoan, Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam (Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư) làm trưởng đoàn...

Người mẫu quốc tế - Ca sĩ Nathan Lee: MỘT TÀI NĂNG TRẺ HỌ TRƯƠNG

Người mẫu quốc tế - Ca sĩ Nathan Lee: MỘT TÀI NĂNG TRẺ HỌ TRƯƠNG

— 26 Tháng Năm 2017

Nathan Lee tên thật là Trương Triều Trúc Lân, anh sinh năm 1983 tại Hà Nội. Từ nhỏ, Nathan Lee đã học tập và làm việc tại New York, Paris. Trở thành người mẫu năm 17 tuổi, Nathan Lee từng là gương mặt Á châu sáng giá của hãng Elite Model Management. Cha Nathan Lee là ông Trương Triều Dương, hiện là Vụ trưởng, Trưởng đại diện Quan chức cao cấp của Việt Nam tại Diễn đàn hợp tác Á - Âu, Thống đốc Quỹ Á - Âu của Việt Nam và làm Đại sứ Việt Nam tại Philippines, trước đó ông làm đại sứ của Việt Nam tại Vương quốc Tây Ban Nha.

THƯ MỜI DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NHỚ DANH NHÂN VĂN HÓA TRƯƠNG HÁN SIÊU

THƯ MỜI DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NHỚ DANH NHÂN VĂN HÓA TRƯƠNG HÁN SIÊU

— 26 Tháng Năm 2017

Thư mời của Hội đồng họ Trương Việt Nam về việc tổ chức Lễ dâng hương nhân ngày giổ Cụ Trương Hán Siêu vòa ngày 01/11/2015 tức ngày 20 tháng 09 năm Ất Mùi.

THƯ CẢM ƠN CỦA HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM - KHU VỰC PHÍA NAM

THƯ CẢM ƠN CỦA HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM - KHU VỰC PHÍA NAM

— 26 Tháng Năm 2017

Quỹ khuyến học của Hội đồng họ Trương Khu vực phía nam xin chân thành cảm ơn quý vị, những nhà hảo tâm đã gửi hoa chúc mừng, đã hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho Quỹ khuyến học họ Trương Khu vực phía nam trong buỗi lễ ra mắt ngày 10/10/2015...