Thăm Bạch Đằng Giang nhớ Đức Trương Hán Siêu và "Bạch Đằng Giang phú"

12:40 - 04/09/2019 Tin tổng hợp Trương Ngọc Vui 22888

Trương Ngọc Vui

THĂM BẠCH ĐẰNG GIANG NHỚ ĐỨC TRƯƠNG HÁN SIÊU VÀ “BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ”

 

     Nhân kỷ niệm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân, nhận lời mời của Thiếu tướng Phạm Viết Hội – Nguyên Cục trưởng cục thi hành án Bộ Công an và Công an Hải Phòng, tôi cùng các thành viên Câu lạc bộ sỹ quan Công an Tây nguyên hưu trí tại miền Bắc đã về nghỉ dưỡng tại Cát Bà và ghé thăm di tích lịch sử Bạch Đằng Giang.

     Nơi đây, năm 1288 Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng với Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông đã cho dân binh đóng nhiều bãi cọc xuống dòng sông Bạch Đằng, bày thế trận tiêu diệt và bắt sống trên 80.000 quân xâm lược Nguyên Mông. Bắt sống tướng Ô Mã Nhi, Bình Chương Áo Lỗ Xích, Tích Lệ Cơ, Phạm Nhan, Phàn Tiếp. Đánh chìm hơn 100 tàu chiến và thu giữ 400 chiến thuyền của giặc, làm nên chiến thắng thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, đập tan ý đồ “làm cỏ An Nam’ của ngoại xâm phương Bắc, gìn giữ vẹn toàn và khẳng định chủ quyền độc lập của Đại Việt.

     Bạch Đằng Giang không chỉ là địa danh lịch sử ghi dấu chiến công của Vua tôi nhà Trần mà còn là nguồn cảm hứng cho rất nhiều danh sĩ, nhà thơ, nhà văn. Trong đó nổi tiếng nhất vẫn là tuyệt tác văn chương “Bạch Đằng Giang phú” của Đức Tiền hiền Trương Hán Siêu. Bách khoa toàn thư có đoạn viết: “Bạch Đằng Giang phú là tác phẩm tiêu biểu của văn học yêu nước thời Lý Trần, một đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học và được xem là một áng thiên cổ hùng văn trong lịch sử Việt Nam…”.

      Đức Tiền hiền Trương Hán Siêu tên tự là Thăng Phủ, hiệu là Đôn Tẩu. Quê ở làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình). Sinh vào những năm 1270, mất năm 1354(1), hưởng thọ trên 80 tuổi. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, lúc bình sinh cụ là môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tính tình cương trực, học vấn uyên thâm, kiến thức sâu rộng, Cụ là nhà chính trị, nhà thơ, nhà sử học danh tiếng từng làm quan qua 4 đời vua Trần. Kinh qua các chức vụ: Chính nghị đại phu, Hàn lâm học sĩ, Hành khiển, Hữu ty lang trung, Tả ty lang trung kiêm Kinh lược sử, Tả gián nghị đại phu. Năm 1345 cụ được thăng làm Tham tri chính sự (Tương đương chức Thượng thư sau này). Sau khi cụ hóa thần về trời, năm 1363 Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông truy tặng cụ chức Thái Bảo rồi Thái Phó và khắc tên trên bia đá tại Văn miếu Quốc Tử giám cùng với Chu Văn An. Có một điều rất đặc biệt trong lịch sử Việt Nam: Tiền hiền Trương Hán Siêu được cả 4 đời vua Trần tôn kính gọi là Thầy. Ngày nay đền thờ cụ được phụng thờ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, tại quê hương Ninh Bình đền thờ cụ xây dựng tại chân núi Non Nước bên dòng sông Đáy trong xanh hiền hòa, phía trước đền là một công viên cây xanh ngút ngàn tầm mắt.

     Tôi về thăm Bạch Đằng Giang vào giữa mùa mưa miền Bắc. Sông Bạch Đằng cuồn cuộn sóng xô, mênh mông trời nước. Nơi đây, lúc bình sinh ở độ tuổi đôi mươi, Tiền hiền Trương Hán Siêu đã từng kinh qua cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thần thánh, đã từng vác gươm đao lăn xả vào quân thù và chứng kiến cuộc chiến tranh tàn khốc:

“Tàu thuyền muôn đội

Tinh kỳ phấp phới

Hùng hổ sáu quân

Giáo gươm sáng chói

Trận đánh được thua chưa phân

Chiến lũy Bắc Nam giành giật

Ánh Nhật Nguyệt chừ phải mờ

Bầu trời đất chừ sắp đổi…”

     Cũng như bao lớp người đã trải qua chiến tranh, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Những con người tài trí và may mắn sống sót trở về, khi công thành danh toại, tuổi đã cao, ngoảnh nhìn lại cuộc đời, tìm về chiến trường xưa, gặp lại những người đã một thời chinh chiến. Ký ức xưa cuồn cuộn tràn về. Nước mắt và niềm tự hào thổn thức. Đức Tiền hiền Trương Hán Siêu thăm lại chiến trường xưa khi đã bước qua tuổi Tri Thiên mệnh. Cảm xúc thăng hoa, Người đã viết nên bài phú để đời “Bạch Đằng Giang phú”.

     Tôi không dám và cũng không đủ khả năng để bình về nghệ thuật thơ ca, bình về giá trị lịch sử của bài phú. Nhớ người xưa, tôi muốn lần theo dấu chân Người, ngắm nhìn hình bóng uy nghi mà tao nhã, cương trực mà điềm đạm của Tiền nhân mong học hỏi từ Người tấm lòng nhân nghĩa, đức độ, hết lòng vì quê hương đất nước. Một bậc Tiền hiền tài năng xuất chúng của dòng họ và đất nước.

     Đọc Bạch Đằng Giang phú, ở cung đoạn nào cũng thấy từ tấm lòng cụ tình yêu quê hương đất nước, một lòng một dạ trung trinh vì dân tộc. Ngay đoạn mở đầu bài phú Người đã khẳng định rằng dù phương Bắc có nhiều địa danh nổi tiếng như Nguyên Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ thì cửa Đại Quan, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng của Đại Việt cũng đẹp lung linh trời nước, bát ngát sóng xô, thướt tha đuôi trĩ, trời đất trong xanh đẹp tựa mùa thu. Non sông đất Việt cẩm tú hữu tình đâu có kém gì các địa danh nổi tiếng trong thi ca đất Bắc.

     Niềm tự hào về quê hương đất nước còn được nhân lên gấp bội khi tác giả viết về trận chiến Bạch Đằng lừng danh, khẳng định rằng nếu kẻ nào còn dã tâm xâm lược thì hãy nhớ nơi đây đã từng chôn vùi lớp lớp quân thù dưới đáy bùn nhơ:

“Sông chìm giáo gãy

Gò đầy xương khô…

“Nơi đây chiến địa buổi trùng hưng nhị Thánh bắt Ô Mã

Bãi đất xưa, thủa trước Ngô chúa phá Hoàng Thao…”

Dù cho:

“Tất Liệt thế cường

Lưu Cung chước đối”

Thế nhưng cũng như:

“Trận Xích Bích, Tào Tháo tan tác tro bay

Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi”

Quân Nguyên Mông bị đánh tan tác trên sông Bạch Đằng:

“Đến nay nước sông tuy chảy hoài

Mà nhục quân thù khôn rửa nổi”

Kết bài phú Người khẳng định:

“Những người bất nghĩa tiêu vong

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

     Bài phú toát lên niềm tự hào về sự tài giỏi của vua tôi nhà Trần, sự quyết tâm không tiếc máu xương giữ gìn đất nước của ngàn vạn con dân đất Việt, và cũng là lời cảnh tỉnh kẻ thù nhớ về bài học máu xương còn đó.

     Bạch Đằng Giang phú còn là một niềm tự hào rất thầm kín của Trương Hán Siêu khi chính Người là cố vấn của Trần Hưng Đạo, góp phần bẻ gẫy vó ngựa Nguyên Mông, đập tan ý đồ “làm cỏ nước Nam” của ngoại xâm. Bách khoa toàn thư chép: “Trần Hưng Đạo chủ động tìm đến để hỏi ý kiến về cuộc chiến tranh với quân Nguyên sắp nổ ra. Ý kiến của Trương Hán Siêu quá chu đáo nên được Vương nghe theo áp dụng. Kế hoạch lấy không đánh có, lấy nhu thắng cương,vườn không nhà trống được Siêu phát triển thành đỉnh cao hoàn hảo…”. Như vậy, lịch sử cho ta biết Đức Tiền hiền Trương Hán Siêu là người có tính cách rất trung thực, nói được thì làm được, không chỉ là mưu sĩ giỏi mà việc thực hiện cũng rất chu toàn, từ suy nghĩ đến việc làm đều rất trọn vẹn.

     Không chỉ qua bài phú Bạch Đằng Giang Đức Tiền hiền Trương Hán Siêu mới thể hiện lòng yêu nước, căm ghét quân thù ngoại bang mà ngay trong cuộc sống thường ngày, Người cũng tỏ thái độ rất quyết đoán. Bách khoa toàn thư viết rằng: Trương Hán Siêu học cùng với Trần Ích Tắc, nhưng khi biết Trần Ích Tắc có ý định mượn thế lực ngoại bang để củng cố ngôi vị thì Trương Hán Siêu đã hết sức can ngăn, và khi biết không thể can ngăn được ông đã đoạn tuyệt không quan hệ với Trần Ích Tắc nữa, chấp nhận sự ganh ghét của một số mệnh quan theo Trần Ích Tắc và có lúc bị hệ lụy vì việc này. Về vấn đề tôn giáo, lúc bấy giờ giặc phương Bắc không xâm chiếm được Đại Việt, chúng âm mưu xâm lược dân ta bằng cách mê hoặc lòng người, tổ chức cho các nhóm Phật giáo mang màu sắc phân biệt sắc tộc, xóa bỏ văn hóa dân gian, ca ngợi phương bắc, ồ ạt phát triển ở nhiều nơi. Nhận thấy nguy cơ của nạn xâm lăng văn hóa, Tiền hiền Trương Hán Siêu kiên quyết bài xích Phật giáo mê tín dị đoan. Sau này Người ủng hộ vua Trần Nhân Tông lập trung tâm Phật giáo Thiền Trúc Lâm Yên Tử của người Việt, đưa Phật giáo dần trở lại trong sáng, làm chỗ dựa tinh thần cho dân tộc.

     Tinh thần yêu nước, hết lòng vì non sông Đại Việt của Đức tổ Trương Hán Siêu còn được thể hiện qua việc Người theo kế sách của nhà Trần, dứt ruột gả người con gái yêu quý của mình đang sống cao sang giữa chốn kinh kỳ cho một tù trưởng ở vùng biên, nhằm giữ mối đoàn kết dân tộc, làm phên dậu vững chắc cho đất nước. Có lẽ chỉ những người đã làm cha mới thấu hiểu sự hy sinh cao cả trong nỗi trằn trọc, xót xa này. Cũng vì sự việc này có người nói rằng Đức tổ là người cương tính. Thực tế không hẳn như vậy, đọc “Bạch Đằng Giang phú”, qua những nỗi niềm lại thấy cụ là người đa sầu, đa cảm, mang nặng lòng nhân ái bao dung:

“Đến chơi sông chừ ủ mặt

Nhớ người xưa chừ lệ chan…”

     Chiến tranh đã qua đi, đất nước vẹn toàn nhưng cũng có biết bao máu xương đã đổ. Thăm chiến trường xưa, ngậm ngùi thương những người lính không quản máu xương hóa mình vào dòng Bạch Đằng cuộn sóng. Nỗi nhớ niềm thương không chỉ thoảng qua mà sâu đậm, mênh mang nhìn đâu cũng thấy xót xa:

“San sát bờ lau

Đìu hiu bến nước

Buồn vì cảnh thảm

Đứng lặng hồi lâu

Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá…”

     Đó không chỉ là nỗi xót thương nhân tình thế thái mà còn là nỗi buồn đau khi người chỉ huy tài ba, người bạn vong niên Trần Hưng Đạo cũng đã bỏ ông ra đi về nơi chín suối chỉ 12 năm sau chiến thắng Bạch Đằng.(2)

     Với tính cách tao nhã, Tiền hiền Trương Hán Siêu là người rất yêu cây cỏ, thiên nhiên. Có lẽ ít người biết rằng hoa Sơn Kim cúc (còn gọi là Hoàng hoa) trên đỉnh núi Thúy (Ninh Bình) chính là loài hoa do cụ lấy từ Bích động về trồng. Bài “Cúc hoa Bách Vịnh” không chỉ ca ngợi hoa cúc mà chính là gửi gắm nỗi lòng trước cảnh Trần triều đã vào thời suy yếu. Ngay cả bài phú Bạch Đằng Giang cũng toát lên nỗi niềm nhân thế thầm kín lúc thời Trần có dấu hiệu suy vong, Người đã về lại chiến trường xưa để hoài niệm một thời vàng son chói lọi và qua bài phú cũng ý tứ nhắc nhở vua tôi nhà Trần nhìn những tấm gương tiền nhân mà sửa mình chăm lo cho đất nước. Với bản tính cẩn trọng, khiêm tốn, cụ cũng tự răn: “Hổ mình với nước non…”. Thế mới biết dù lúc còn trẻ hay khi đã già, dù lúc vui hay lúc buồn, Đức Tiền nhân của chúng ta luôn ngày đêm đau đáu lo cho dân cho nước, không quản gian lao, làm hết sức mình để giúp nhà Trần gìn giữ non sông, gìn giữ sự vẹn toàn của đất nước.

     Với tài năng nhìn xa trông rộng, tâm trí hơn người, cụ đã cùng với Danh nhân Nguyễn Trung Nhạn biên soạn “Hoàng triều đại điển” và “Hình thư” đặt nền tảng cho quốc gia Đại Việt vận hành theo pháp luật.

     Học vấn uyên thâm, mưu lược khôn khéo, trung hiếu sắt son, một lòng vì dân vì nước, Tiền hiền Trương Hán Siêu đã được cả 4 đời vua Trần tôn kính. Với tài năng, đức độ và công lao to lớn của Người, nhà Trần đã tôn vinh cụ là một Danh nhân đất nước, đứng vào hàng những bậc hiền triết xưa, xứng đáng lưu danh trên văn bia Quốc Tử giám.

     Tôi về lại núi Thúy, tháp Linh tế khi xưa không còn nữa nhưng những bông cúc vàng vẫn rực rỡ quanh đây, Nghinh Phong Các im lìm trầm mặc với thời gian, văng vẳng đâu đây lời người xưa tế bài “Linh Tháp ký”. Dưới chân núi ngôi chùa thờ Phật, động Địa phủ, bến Điếu Đài(3) vẫn còn đây. Đền thờ “Trương Thăng Phủ từ” như một chiếc thuyền rồng vừa từ Bạch Đằng xuôi về cập bến, nép dưới chân núi Thúy, thoang thoảng hương trầm, nghi ngút khói nhang. Theo chân cụ Điến vào trong đền, thành kính dâng lên Tiền hiền ba nén tâm nhang, tôi cúi đầu trước tượng Người, ngắm nhìn qua khói hương nét uy nghiêm của vị quan bậc nhất triều Trần, hiển hiện vầng trán thông minh, ánh mắt hiền từ, nét mặt thanh tao. Rất đạo mạo cao sang nhưng cũng rất gần gũi, thân thương như người ông trong dòng tộc.

     Kể từ ngày Đức Tiền hiền về Tiên giới, 665 năm đã trôi qua. Muôn mãi mai sau những cống hiến của Người sống mãi trong lòng dân tộc. Tài năng và đức độ của Người luôn là niềm tự hào và là tấm gương sáng cho lớp lớp cháu con trong dòng tộc mãi mãi ngưỡng mộ, noi theo.

Tháng 8, mùa Thu năm Kỷ Hợi

Trương Ngọc Vui

 

Chú giải:

1 – Bách khoa toàn thư viết: Tháng 11 năm Giáp Ngọ 1354, Tham tri chính sự Trương Hán Siêu đến trấn Châu Hóa, cõi ngoài biên lại được yên, xin trở về triều, vua y cho, chưa về đến kinh thì mất…”(trang 156). Như vậy Đức Tiền hiền của họ ta mất vào tháng 11 năm Giáp Ngọ khi còn đương chức.

2 – Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mất ngày 20 tháng 8 năm Canh tí (1300).

3 – Bến Điếu Đài, nơi Tiền hiền Trương Hán Siêu hay ngồi câu cá, làm thơ được người đời gọi là bến Cụ Trương.

 

 

 

 

Những tin cũ hơn

Dấu Ấn Thái Nguyên

Dấu Ấn Thái Nguyên

— 30 Tháng Tám 2019

 Trong tiết Thu miền đất Đông Bắc không khí của đại hội đã nóng ngay từ sáng sớm, các đại biểu đã có mặt trước giờ để chứng kiến sự kiện lịch sử của người họ Trương Thái nguyên.

BAN XÂY DỰNG NHÀ THỜ HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM  HỌP SƠ KẾT VIỆC TRIỂN KHAI  VÀ GIÁM SÁT THI CÔNG

BAN XÂY DỰNG NHÀ THỜ HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM HỌP SƠ KẾT VIỆC TRIỂN KHAI VÀ GIÁM SÁT THI CÔNG

— 30 Tháng Sáu 2019

Sáng ngày 25 tháng 6 năm 2019, tại nhà thờ họ Trương Việt Nam, Ban xây dựng nhà thờ đã nhóm họp sơ kết tình hình triển khai xây dựng các hạng mục theo quy hoạch tổng thể khu vực nhà thờ họ Trương Việt Nam, đánh giá công tác giám sát thi công và quản lý nguyên vật liệu tại công trình. Triển khai các công việc trong thời gian tiếp theo.

Người họ Trương với Văn hoá Dân tộc và Thông tin Truyền thông

Người họ Trương với Văn hoá Dân tộc và Thông tin Truyền thông

— 21 Tháng Sáu 2019

Xưa Tổ tiên ta ngũ thường trọn vẹn, nay cháu con văn võ song toàn. Mỗi người một bài viết, một lời chia sẻ, động viên, một ý tưởng mang tính xây dựng của những con người tâm đức tham gia vào mũi nhọn văn hóa, tư tưởng sẽ làm nên nguyện ước lớn lao của Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam: “Xây dựng một dòng họ đoàn kết, trường tồn và phát triển”.

Tình Thân Tộc

Tình Thân Tộc

— 30 Tháng Năm 2019
Sau hơn một năm tổ chức thành công đại hội đại biểu hội đồng họ Trương Hà Nội, từ cuối năm 2017 cho đến nay, hội đồng họ Trương Hà Nội đã thực hiện nghị quyết đề ra với 6 chương trình hoạt động trọng điểm trong từng năm và nhiệm kỳ.
Hội đồng họ Trương Hà Nội tham gia các hoạt động của hội đồng họ Trương Việt Nam, kết nối tình dòng tộc và tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài cùng các công tác xã hội của dòng tộc.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: 'Cần loại bỏ những kẻ cơ hội'

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: 'Cần loại bỏ những kẻ cơ hội'

— 18 Tháng Năm 2019

Dẫn chứng những bài học "đau xót", ông Trương Tấn Sang cho rằng cần có cơ chế xác định trách nhiệm cá nhân trong quy trình tuyển chọn cán bộ.