Người họ Trương
LUẬT SƯ – TRƯƠNG ĐÌNH TƯỞNG VÀ BÀI THƠ
“VIẾT TRONG NHỮNG NGÀY BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG”
Trương Ngọc Vui
Lời giới thiệu
Hôm rồi, ở nhà thờ họ Trương, chia tay anh Trương Đức Lộc và anh em thợ về đến nhà thì đã gần 9 giờ đêm. Cả gia đình đi chơi Trung thu hết. Tôi vội tắm rửa và ngồi ăn cơm một mình. Vừa nhâm nhi chén rượu vừa tranh thủ lướt “Fây”. Bất chợt gặp bài thơ “Viết trong những ngày biển Đông dậy sóng” của tác giả Trường Giang tôi vội đọc quên cả ăn. Bài thơ rất hào sảng, rất khí tiết. Những câu, những chữ đọc lên nghe như tiếng đồng vọng của cha ông từ ngàn xưa truyền lại. Những lời nói, tâm tư trong bài thơ như cởi mở nỗi lòng của bao công dân đất Việt trước những biến cố lịch sử phức tạp của đất nước.
Luật sư Trương Đình Tưởng (Bên phải) và Giáo sư – NGND Phan Huy Lê Tại “Hội thảo Khoa học quốc gia 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt” tháng 3 năm 2018
Tác giả Trường Giang tên thật là Trương Đình Tưởng – Luật sư – Nhà nghiên cứu Văn hóa, Lịch sử - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Ninh Bình - Phó chủ tịch Hội đồng họ Trương Hà Nam Ninh. Sinh ra trên vùng đất Cố đô ngàn năm linh thiêng ngàn năm huyền thoại, luật sư Trương Đình Tưởng đã học qua chương trình đào tạo luật của Học viện Tư pháp, học khoa văn thuộc Đại học sư phạm Hà Nội. Ông là người có kiến thức sâu rộng, có rất nhiều bài viết trên các báo, đài, truyền thanh truyền hình. Ra mắt khá nhiều sách về văn hóa, lịch sử, danh nhân đất nước. Tướng mạo dung dị, lúc làm việc thì bài bản, nghiêm túc nhưng khi sống với đời thường ông lại rất hòa nhã, hóm hỉnh. Lâu lâu có dịp ngồi trà lá với ông, nghe những câu chuyện vui đùa, hài hước, những tràng cười cứ bật ra vô tư sảng khoái, tự nhiên thấy quên đi những khó khăn phức tạp thường ngày.
Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Ninh Bình trong Hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp Thiền sư Nguyễn Minh Không”
Tôi giới thiệu bài thơ của ông thay cho lời cảm tạ, bới ông đã bày tỏ nỗi lòng mình, nỗi lòng của những người họ Trương trước hiện trạng ngoại xâm từng ngày, từng giờ tìm mọi cách xâm lấn đất đai, biển đảo của Tổ quốc. Bài thơ cũng đã được đăng trên tập thơ “Đánh giặc làm thơ mười thế kỷ” do nhà xuất bản Văn học phát hành.
Tác giả bài thơ “Viết trong những ngày biển Đông dậy sóng” và người bạn đời yêu quý.
Bài thơ:
VIẾT TRONG NHỮNG NGÀY BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG”
Cứ mỗi sáng bình minh hừng đỏ
Bạn ơi, hãy nhìn về phương ấy – Biển Đông
Ngàn con sóng duềnh lên giận dữ
Những đám mây đen hình quỷ sứ
Đang trùm lên biển đảo quê hương!
Biển cát vàng, cát trắng những tinh sương
Hàng trăm năm cha ông ta giong buồm lộng gió
Mồ hôi và máu mặn mòi trên biển cả
Xương tôn cao đảo san hô, đảo đá
Những ngôi mộ gió
Hắt hiu
Còn rưng rưng nước mắt bao đời!
Từ hàng ngàn năm trước
Thuyền buôn Tây phương
Ghé Hoàng Sa, Trường Sa xin nước ngọt
Trình Vua nước Nam mỗi chuyến thương trường
Lễ khao thề lính rộn rã trống chuông
Vọng vang hồn nước
Âm âm từng con sóng biếc giữa trùng dương.
Nay bọn bành trướng kiêu ngông
Tráo trở nuốt lời
Mộng đại bá máu sôi trong huyết quản
Toan lè cái lười bò – lưỡi của loài thủy quái
Muốn nuốt trọn biển Đông.
Hàng ngàn năm
Dân ta anh dũng, kiên cường
Cưỡi sóng cả
Chém cá kình Đông Hải
Nguyện làm dân nước Nam
Không màng làm vương đất Bắc
Hỡi quân giặc hung tàn, hiểm ác
Bay có biết
Cổ tích nước Nam ta
Chim đại bàng vượt ngàn trùng sóng vỗ
Lấy vàng từ đảo quý Trường Sa
Ních túi ba gang
Đền ân người nghèo cho khế
Mai An Tiêm bạt nham, phạt đá
Dâng Hùng Vương và trăm họ
Dưa đỏ ngọt lừ từ đảo san hô, từ cồn cát gió
Lũ bay còn nhớ
Cột đồng Mã Viện thành tro
Thoát Hoan chui ống đồng tháo thân về nước
Liễu Thăng bay đầu trên ải Bắc
Sầm Nghi Đống cùng đường treo cổ
Xác lũ xâm lăng thành đống thành gò
Bạch Đằng Giang ngàn năm vẫn đỏ ngòn máu giặc
Đánh để cho dài tóc
Đánh để cho răng đen
Đánh cho chúng gẫy tan xe ngựa không chắp nổi quay sang
Đánh cho chúng tả tơi mảnh giáp chẳng lành
Cho biết nước Nam đời đời có chủ
Lời cha ông như những hồi kèn
Bọn bay kế hiểm mưu hèn
Gỉa kết tình hòa hiếu thân gia
Lừa một Mỵ Châu trái tim trinh bạch
Bội ước đem quân cướp Cổ Loa Thành
Cha ông ta răn dạy cháu con khắc cốt ghi lòng
Tạc trên cửa thành Hoa Lư rêu phong cổ kính:
“ Khóa chặt cửa Bắc
Đề phòng ác tặc xâm lăng”
Nước Nam ta văn hiến, trọng nghĩa xóm giềng
Một điều nhịn chín điều lành
Tích phúc để dành muôn đời con cháu
Lũ chúng bay bao phen cướp nước Nam còn nhớ
“Sông núi nước Nam vua Nam ngự”
Sách Trời ghi – Sao “Thiên tử” hung đồ?
Tổ quốc ta
Núi rộng sông dài
Hình cong chữ S
Như dáng mẹ già ta lưng còng, bụng hóp
Tần tảo gánh gạo nuôi chồng , nuôi con
Khắp chiến trường phía Nam, phía Bắc
Tổ quốc ta
Là thềm lục địa
Đảo bạc, đảo vàng
Là từng con sóng vỗ dưới thuyền ngư dân chài lưới
Mặn chát mồ hôi và máu bao đời
Xưa
Bọn bay tung roi ào ào binh mã
Trèo núi
Lội sông
Vượt bể
Cướp đất, phá nhà
Sát phu, hiếp phụ
Nay
Tàu chiến
Tàu bay
Cướp biển đảo máu thịt của ta
Hữu hảo chi chi quân săn người, săn đất
Đồng chí chi chi lũ bành trướng, bá quyền
Mẹ ta
Chị ta
Em gái ta
Bao người mẹ trẻ
Đầu mới hạ khăn tang
Mắt còn hoen lệ
Cha ta
Anh ta
Em ta
Đồng đội của ta
Không tên
Không cốt
Nhạt nhòa
Chúng ta yêu hòa bình, độc lập, tự do
Không ngần ngại hy sinh gian khổ
Các ngươi buộc chúng ta cầm gươm, cầm súng
Tấm thân ngàn vàng
Sẵn sàng hòa vào biển cả mênh mang
Trời đây của chúng ta!
Đất đây của chúng ta!
Núi sông
Biển đảo đây là của chúng ta
Ngàn năm dân nước Nam không bao giờ khuất phục
Giặc Tây,giặc Bắc
Tả tơi
Cuốn gói
Quy hàng
Xưa
Cha ông ta đã cấp cho bọn ngươi hàng trăm cỗ ngựa
Về nước còn phách lạc, hồn siêu
Nay:
Chúng ta sẵn sàng cấp cho chúng bay
Tàu thuyền, mảng bè loại tốt
Muốn toàn thây, toàn mệnh hãy quay về!
Thắp nén hương miếu Khổng Tử và đọc lại sách của Ngài
“Điều không muốn đừng bắt người phải muốn”!
Các ngươi tu tâm
Từ bỏ mộng xâm lăng
Bành trướng
Nước Nam ta lại hảo giao tình nghĩa láng giềng
Lại núi liền núi, sông liền sông
Cùng nghe tiếng thác chảy êm êm trong như tiếng hạc
Cùng nghe tiếng Sơn ca, tiếng gà cục tác
Nước Nam ta tha thiết khúc dân ca
Trầm bổng điệu lý, câu hò sông nước
Âm vang tiếng trống đồng bạc đầu quân xâm lược
Các Vua Hùng dựng xây giang sơn một cõi
Tiếp Đinh-Lý-Trần-Lê sánh ngang các cường quốc năm châu
Cha anh ta xẻ dọc Trường Sơn
Tạc vào thế kỷ những chiến công trấn động địa cầu
Lớp cháu con hôm nay cưỡi sóng bạc đầu
Thế Phù Đổng Thiên Vương
Vung gậy sắt, tre Ngà ra trận
Quyết giữ trọn nước non gấm vóc, hùng cường!
Cố đô Hoa Lư, tháng 5 năm 2014
Trương Đình Tưởng
Năm 1996 lần đầu tôi trở lại Việt Nam sau bao năm sang Mỹ, trên đường từ phi trường về nhà, nhìn hai bên đường mà lòng trắc ẩn dâng lên. Khi rời Sài Gòn trở về Mỹ, tôi thầm nhủ: "Rồi một ngày tôi sẽ trở lại"...
Bị bệnh tim bẩm sinh nhưng cô giáo Trương Thị Thu Hà, trường THCS Lý Tự Trọng (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) không chỉ dạy giỏi, mà còn “khởi nghiệp” tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người, trong đó có cả các học trò cũ.
Phải đến thời nhà Nguyễn, việc học ở Quảng Nam mới thực sự đi vào nền nếp và được sự điều hành bởi các vị đốc học do triều đình bổ nhiệm. Trong số 17 vị đốc học của “đất học” Quảng Nam, Trương Công Thúy là người đầu tiên và cũng là người duy nhất không xuất thân từ hàng “đại khoa” của khoa cử!
Bà Trương Thị Lệ Khanh tiếp tục bỏ xa hơn nữa các đối thủ trong ngành nhờ phán quyết có lợi của người Mỹ và kế hoạch tấn công vào thị trường 1,4 tỷ dân. Trong khi đó, ông Dương Ngọc Minh vẫn đang tìm đường thoát khỏi cảnh nợ nần.