LỄ KHÁNH THÀNH CHÙA PHÁP MINH VÀ TIẾP NHẬN CHÙA DO GIA TỘC CHỦ TỊCH NƯỚC HIẾN CÚNG

00:01 - 26/05/2017 Tin tổng hợp Admin 5622

      Quang lâm chứng minh tham dự buổi lễ của Chư tôn Giáo phẩm:Hòa thượng Thích Hiển Pháp – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Đức Nghiệp – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Viên Giác - Ủy viên Thường trực HĐCM GHPGVN; Hòa thượng Thích Giác Tường - Ủy viên Thường trực HĐCM GHPGVN; Hòa thượng Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN; HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó ban Thường trực Ban GDTN T.Ư; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II T.Ư; Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN;; Hòa thượng Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN. Cùng chư tôn giáo phẩm, Chư tôn đức Tăng, Ni hội đồng chứng minh, hội đồng trị sự, các ban nghành, viện trung ương GHPGVN. Chư tôn đức lãnh đạo các ban nghành Ban trị sự tỉnh thành trong cả nước về tham dự.
      Về phía lãnh đạo chính quyền có ông Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; Bà Mai Thị Hạnh phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; ông Phan văn Luân- Ủy viên thường vụ tỉnh Ủy- Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An; Bà Trần Thị Nhân- Ủy viên thường vụ tỉnh ủy- Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cùng các cấp lãnh đạo ban nghành đoàn thể tỉnh Long An. Và thân nhân tộc họ Trương cùng hai ngàn tín đồ các quận huyện nội và ngoại tỉnh về tham dự.
 

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn phát biểu khai mạc

      Chùa Pháp Minh toạ lạc tại ấp Giồng Dứa nay là ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, do Hoà thượng Thích Liễu Lạc (1878-1937) biến gia vi tự vào năm 1933.

      Hoà thượng Thích Liễu Lạc, thế danh Trương Văn Trình, sinh năm 1878 (Kỷ Mão) vốn là bậc đại điền chủ, nổi tiếng nhân hậu, đạo đức khắp vùng. Phụ thân là cụ ông Trương Văn Thêm, mẫu thân là cụ bà Nguyễn Thị Em. Hoà thượng là người con út trong gia đình có bốn anh chị em.
      Năm 1910, Hoà thựơng tu theo đạo Minh Sư và được gọi là Ông lão Năm. Đạo Minh Sư chủ trương “Thờ cúng Phật, tu theo Lão giáo, sống theo Nho gia’’, nên Hoà thượng có điều kiện so sánh nhận thấy Phật đạo cao siêu hơn. Vì vậy năm 1933, Hoà thượng đã hành hương sang đất Phật tại Ấn Độ và sau đó đến Thanh Sơn Thiền Viện ở Hồng Kông để xuất gia theo Phật giáo. Tại đây Hoà thượng được Tổ Hiển Kỳ trao truyền Đại giới và ban cho pháp danh Tu Tịnh, pháp hiệu Liễu Lạc, thuộc đời thứ 49 tông Thiên Thai Giáo Quán. Sau khi thọ giới xong, Hoà thượng về quê, biến ngôi nhà đang ở thành chùa và lấy hiệu là Pháp Minh, đồng thời làm Trụ trì khai sơn đời thứ nhất. Bấy giờ, chùa làm bằng gỗ quý, cột tròn rất to, mái lợp ngói âm dương, xây dựng theo phong cách nóc bánh ít cổ xưa. Nhiều vị chân tu đã xuất gia tu học ở đây như: Hoà thượng Thích Đạt Hảo, Ni trưởng Thích Nữ Đạt Tâm, v.v…

      Ngày mùng 2 tháng Chạp năm Bính Tý (nhằm ngày 14 tháng 1 năm 1937), Hoà thượng Thích Liễu Lạc an lành viên tịch, thế thọ 59 tuổi, tháp của Ngài được xây ngay trong khuôn viên chùa Pháp Minh. Ni trưởng Thích Nữ Liễu Cổ thế danh Nguyễn Thị Bộ kế thế trụ trì chùa Pháp Minh, phát triển đạo pháp ngày thêm hưng thịnh.

       Khoảng năm 1948, cuộc kháng chiến chống Pháp nổi lên, chùa là địa điểm bí mật nuôi giấu dân quân kháng chiến. Bọn mật thám của giặc Pháp bí mật dò biết, quan huyện Đức Hoà ra lệnh cho Cai Nhung, đem lính Mã Tà cướp phá chùa Pháp Minh và chở cột, kèo, mè… về huyện.
      Năm 1950, chiến tranh tạm lắng xuống, chùa được bà con trong thân tộc họ Trương dựng lên bằng cây lá còn sót lại của chùa cũ để thờ cúng Phật.
      Khoảng năm 1953 Ni trưởng Thích Nữ Liễu Cổ viên tịch, chùa được các thầy về trụ trì, nhưng cư trụ không lâu phải bỏ đi vì chiến tranh. Cuối cùng, cô Trương Thị Ba con cháu trong tộc họ Trương được chỉ định về trông coi chùa. Trong thập niên 60 của thế kỷ 20, thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chùa là trạm cứu thương, nơi tiếp tế che giấu cán bộ và nuôi dưỡng thương bệnh binh.Tại chùa hiện nay còn lưu lại những căn hầm bí mật mà các vị lãnh đạo của ta thường đến họp và trú ngụ khi có những trận bố càn của quân địch.
      Năm Mậu Thân (1968), chùa lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhiều cán bộ chiến sĩ đã hy sinh ngay trên đất chùa nhưng không để lại tên tuổi cũng như quê quán. Nhà chùa và bà con thân tộc đã an táng những chiến sĩ vô danh này trong nghĩa trang tộc họ Trương bên cạnh chùa. Nay những ngôi mộ ấy vẫn còn, nằm cách chùa 80 mét về hướng Đông.
      Năm 1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, chùa được con cháu trong dòng họ Trương dựng lại bằng cây và lợp lá.
      Năm 1997, được sự giúp đỡ của gia đình ông bà Trần Thiện Ngôn (cháu ngoại của Hoà thượng Liễu Lạc) chùa được xây lên ba gian, tường gạch quét vôi, mái tôn đơn sơ để dân làng đến cầu nguyện lễ Phật.
      Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, chùa bị phá hoại nặng nề. Đặc biệt trong một thời gian dài chùa không có Trụ trì và Tăng Ni trông nom, đất khuôn viên chùa bị sang nhượng mua bán và dần dần xây thành nhà ở của người thế tục.

      Năm 2010, Pháp tôn của Hoà thượng Liễu Lạc là phật tử Tắc Nghiêm (bà Trương Minh Tuyết : Đệ tử tại gia của Hòa thượng Đạt Hảo) cũng là con cháu dòng họ Trương đã mua lại toàn bộ các thửa đất của chùa, và năm 2012 bà phát tâm cho khởi công xây dựng mới toàn bộ chùa Pháp Minh bằng gỗ như diện mạo khi xưa. Công trình được thực hiện bởi phật tử Tắc Nghiêm tức bà Trương Minh Tuyết là con cháu trong họ tộc, dưới sự chỉ đạo của cô Chính (HậuNghĩa); cố vấn kỹ thuật : Thượng tọa Thích Thanh Phong và Thượng tọa Thích Giác Dũng; tư vấn thiết kế : Phật tử Trương Thế Quốc; phụ trách thi công chánh điện : Phật tử Thân Văn Rớt; phụ trách thi công bê tông : Phật tử Trương Thanh Sơn.

      Gần nửa thế kỷ sau ngày hoà bình tái lập, chùa Pháp Minh đã được xây dựng lại bằng gỗ như xưa. Các căn hầm bí mật được giữ nguyên hiện trạng,các kỹ kỹ vật khi xưa của chùa như 8 pho tượng bằng gỗ do Hoà thượng Liễu Lạc tự tay tạc, nay đã được thỉnh lên thờ tại chánh điện, 8 viên đá tảng hình vuông của nền chùa năm xưa, nay được đặt lại dưới hàng cột phía trước của chánh điện, để con cháu nhớ tới công đức của Tổ tiên và mong đền đáp công ơn Tìền hiền liệt tộc.

 Ông Trương Hạ Long báo cáo quá trình xây dựng

      Chùa Pháp Minh được trùng tu, tái thiết, nhưng nét kiến trúc tổng hợp ba miền. Nội điện phụng thờ theo phong cách miền Nam, cấu trúc bao lơn khung gió, cửa điện bốn bề mang dáng dấp miền Bắc và Trung. Hậu điện dựa vào giả sơn, tiền cung trấn cứ ao thủy. Chùa vẫn còn giữ được mấy pho tượng cổ. Đại điện phụng thờ bảo tượng Bổn sư cũng bằng gỗ thếp vàng tương xứng với nội cung.


Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tiếp nhận hồ sơ chùa Pháp Minh do gia tộc Họ Trương hiến cúng

 

 


      Buổi lễ ban tổ chức lễ đón nhận nhiều lẵng hoa, kỷ vật từ Trung ương đến các địa phương gửi đến chúc mừng, Trung ương Giáo hội cũng như BTS GHPGVN tỉnh Long An tiếp nhận trước những tràng pháo tay hoan hỷ.

       Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và từng bước hoàn thiện. Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường, ổn định trên tinh thần tuân thủ luật pháp và luật đạo.

      Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào có đạo nói chung và đồng bào phật giáo nói riêng trên địa bàn tỉnh. Tại tỉnh Long An trong thời gian qua, có rất nhiều cơ sở thờ tự đã được xây dựng, sửa chữa lại khang trang, rộng rãi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo.

    Chùa Pháp Minh do Hòa thượng Thích Liễu Lạc thành lập năm 1936, trải qua 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, Chùa vừa là nơi tu hành của đồng bào Phật tử và cũng là cơ sở nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng. Sau một thời gian dài chùa bị xuống cấp, làm ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ tôn giáo tại địa phương. Năm 2010, chùa Pháp Minh được khởi công xây dựng lại; cùng với sự nổ lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, sự đồng thuận của chức sắc, tín đồ, các nhà mạnh thường quân; đồng thời sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của Chính quyền, Mặt trận các cấp sau một thời gian tiến hành thi công đến nay Chùa              Pháp Minh đã cơ bản đã hoàn thành, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ phật giáo địa phương.
     Kính thưa quý vị !
     Việc Chùa Pháp Minh tổ chức lễ khánh thành là niềm vui chung góp phần mang lại vẻ mỹ quan về mặt kiến trúc, văn hoá; đồng thời đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con tại địa phương.
     Tiếp nối truyền thống “Hộ quốc an dân” của Phật giáo. Tôi mong rằng, quý vị chư tôn đức tăng, ni, quý vị phật tử tiếp tục góp sức cùng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam với đường hướng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Tiếp tục hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư:” “xây dựng nông thôn mới” “sống tốt đời đẹp đạo”,
      Sau cùng thay mặt lãnh đạo tỉnh, kính chúc quý Hòa thượng, thượng tọa, Đại đức tăng ni, quý phật tử và quý khách dồi dào sức khỏe, mọi điều thành tựu viên mãn, kính chúc buổi lễ thành công tốt đẹp
 


Hòa thượng Thích Minh Thiện đại diện Ban tổ chức phát biểu cảm tạ

      Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tín ngưỡng Phật Giáo lâu đời, nơi nào có người sanh cư thì nơi đó hầu như có ngôi chùa Phật. Như thế, dù là thành thị hay thôn quê, mái chùa cũng chính là nơi nương tựa tâm linh – đạo đức, cho Tăng Ni phật tử, cho đồng bào xa gần hướng về nguồn cội Dân tộc.
      Ngày lễ Lạc Thành hôm nay, hòa trong niềm hoan hỷ vô biên, được sự cho phép của các cấp chính quyền, Chùa Pháp Minh sau thời gian đại trùng tu; trên nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ, dưới nương sức chú nguyện của Chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN hiệp cùng sự phát tâm dõng mãnh của cháu con tộc họ Trương hướng về đức tổ Liễu Lạc mà được thành tựu trang nghiêm. Ban tổ chức đầy đủ thắng duyên, được sự thân lâm của chư Tôn Hòa Thượng giáo phẩm lãnh đạo HĐCM, HĐTS TWGHPGVN, chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni các tỉnh thành, các huyện thị thành, các tự viện, tịnh xá tiêu biểu trên cả nước quang lâm về tham dự và chúc nguyện để buổi lễ thành tựu viên mãn. Ban tổ chức chúng con xin thành kính đảnh lễ tri ân và nguyện cầu mười phương Tam Bảo thường gia hộ chư Tôn Thiền Đức lãnh đạo Giáo hội, chư Tôn Đức Tăng Ni pháp thể khinh an, phước trí nhị nghiêm, Phật sự viên thành.
 


      Chân thành cảm niệm công đức của toàn thể gia tộc họ TRƯƠNG, huyện Đức Hòa, Thượng tọa Thích Thanh Phong, TT.Thích Giác Dũng, thuộc tổ đình Vĩnh Nghiêm đã hoan hỷ đứng ra tái thiết chùa Pháp Minh, góp phần hộ trì cho Phật Giáo Việt Nam, Phật Giáo Long An, Phật Giáo huyện Đức Hòa và hệ phái Thiên Thai Giáo Quán Tông một đạo tràng thật trang nghiêm, tú lệ. Nhờ đó mà Phật Giáo nơi địa phương này có cơ hội phát triển, phụng sự chúng sanh lợi lạc khắp hữu tình.
      BTC vinh dự được đón tiếp quý vị lãnh đạo chính quyền các ban nghành TW, chính quyền sở tại về tham dự Lễ Lạc Thành và có đôi lời phát biểu sâu sắc, cảm thông . Thay lời ban tổ chức xin gởi đến quý vị lãnh đạo chính quyền TW và các ban nghành đoàn thể các cấp sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong chặn đường đổi mới, đi lên của đất nước.
      Chúng tôi xin gởi lời tri ân đến quý vị thiện hữu tri thức, tán dương công đức các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các vị ân nhân, phật tử thiện tín đạo tâm… xa gần trong thời gian xây dựng đã phát tâm hộ trì và hôm nay về tham dự buổi lễ. Xin trân trọng tri ân các vị phóng viên báo, đài trung ương, các địa phương, truyền hình An Viên – truyền hình tỉnh Long An – truyền hình huyện Đức Hòa, báo Giác Ngộ, trang mạng điện tử…đến tham dự và đưa tin. Chúng tôi cũng xin trân trọng tri ân chính quyền, công an, dân quân các cấp đã tận tình giúp đỡ an ninh trật tự và điều tiết giao thông tốt đẹp. Trân trọng tri ân chư Tăng Ni, phật tử trong ban trai soạn và tất cả các Ban hỗ trợ cho buổi lễ Lạc thành Chùa Pháp Minh được thành tựu viên mãn.
      Cầu nguyện hồng ân Tam Bảo thường gia hộ quý liệt vị cùng gia đình luôn an khang thịnh vượng, thành tựu thắng duyên, tràn đầy hạnh phúc, xứng danh chơn Phật tử.
Sau phần cảm tạ tri ân Chư tôn đức, lãnh đạo chính quyền, các nhà hảo tâm... Hòa thượng Thích Minh Thiện và Hòa thượng Thích Tắc Ngộ đại diện ban tổ chức trao tặng cho địa phương 2 căn nhà tình thương trị giá 100.000.000 đồng
 

Chư tôn đức và các cấp lãnh đạo cắt băng khánh thành

Chư tôn đức niêm hương bạch Phật cầu quốc thái dân an

 (Nguồn từ ấn phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam http://www.giaohoiphatgiaovietnam.vn - http://www.phattuvietnam.net)

 

Những tin cũ hơn

GIA TỘC HỌ TRƯƠNG: NIỀM TỰ HÀO CỦA QUÊ HƯƠNG BÌNH ĐỊNH - KON TUM - AN GIANG VÀ ĐỒNG THÁP

GIA TỘC HỌ TRƯƠNG: NIỀM TỰ HÀO CỦA QUÊ HƯƠNG BÌNH ĐỊNH - KON TUM - AN GIANG VÀ ĐỒNG THÁP

— 26 Tháng Năm 2017

Tôi biết - từ rất lâu rồi anh không thích nói về mình, không thích nói về thành tích vang dội của các con; những công trình nghiên cứu, sáng tác của anh cũng chẳng cần đăng báo; nhưng theo tôi nghĩ: đó là một điều rất thiếu sót, rất đáng tiếc cho ai đó – người nào đó - không biết về anh, không biết về một Trương Vĩnh Khánh – nhân hậu, hào sảng và tài hoa...

LỄ NHẬP LINH 10 PHO ĐẠI SÁCH LƯU DANH ANH HÙNG LIỆT SỸ VIỆT NAM

LỄ NHẬP LINH 10 PHO ĐẠI SÁCH LƯU DANH ANH HÙNG LIỆT SỸ VIỆT NAM

— 26 Tháng Năm 2017

Ngày 14 tháng 12 năm 2014 tại chùa Ba Vàng, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Đại Lễ Nhập Linh 10 Pho Đại Sách Lưu Danh Anh Hùng Liệt Sỹ - an vị và siêu độ anh linh các Anh hùng liệt sỹ Việt Nam hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc được diễn ra long trọng, thắm tình đạo pháp và hòa khí dân tộc. Lần đầu tiên ở Việt Nam và trên thế giới có bộ Đại sách Tâm linh được Đại học Kỷ lục Thế giới trao bằng tôn vinh giá trị nội dung và ý nghĩa thờ phụng. Bộ Công trình xuất bản Huyền thoại Việt Nam là nơi lưu giữ cho muôn đời con cháu mai sau về tinh thần nhân văn và ý nghĩa lịch sử tri ân tới các bậc đại chúng và cộng đồng xã hội.

CỤ TRẦN THỊ SANH PHU NHÂN CỦA BÌNH TÂY ĐẠI NGUYÊN SOÁI TRƯƠNG ĐỊNH

CỤ TRẦN THỊ SANH PHU NHÂN CỦA BÌNH TÂY ĐẠI NGUYÊN SOÁI TRƯƠNG ĐỊNH

— 26 Tháng Năm 2017

Nhân dịp cuối năm 2011 tôi đi cùng nhà văn Vũ Hạnh về ở thị xã Gò Công. Trước tiên, chúng tôi đến viếng Lăng(nhà thờ và lăng mộ Đại thần Phạm Đăng Hưng - Đức Quốc Công Từ, thân sinh của Hoàng Thái hậu Từ Dũ), tại Giồng Sơn Quy, xã Long Hưng, thị xã Gò Công.

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỌ HÀ VIỆT NAM LẦN THỨ IV

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỌ HÀ VIỆT NAM LẦN THỨ IV

— 26 Tháng Năm 2017

Vào lúc 8 giờ 45 ngày 14 tháng 12 năm 2014, Đại hội Đại biểu họ Hà Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại trụ sở Hội Nông dân Việt Nam số 9 phố Tôn Thất Thuyết, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội

DIỆU KẾ ĐÁNH PHÁP CỦA DANH TƯỚNG NGUYỄN TRI PHƯƠNG

DIỆU KẾ ĐÁNH PHÁP CỦA DANH TƯỚNG NGUYỄN TRI PHƯƠNG

— 26 Tháng Năm 2017

Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu là hai Tổng đốc có công giữ thành Hà Nội trong thời gian chống Pháp. Bài viết này xin nêu về diệu kế đánh Pháp của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương.