Có thể nói lợi ích mà kỹ thuật cao trong y tế mang lại cho người bệnh, gia đình và xã hội là không thể chối cãi được. Nó giúp chẩn đoán nhanh và chính xác, từ đó điều trị thành công rất nhiều loại bệnh mà trước đây y học khó có thể can thiệp; giúp rút ngắn thời gian nằm viện; giảm các biến chứng trong điều trị; đạt được yếu tố thẩm mỹ... Tuy nhiên, vấn đề chính của việc áp dụng kỹ thuật cao là chi phí cho chẩn đoán và điều trị quá cao. Đây là gánh nặng cho bệnh nhân.
Chạy đua kỹ thuật
Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại như CT scan, MRI, nội soi chẩn đoán, các phương pháp siêu âm ba chiều... có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, giá chẩn đoán và điều trị còn quá cao là do:
- Các máy móc trong ngành y tế đòi hỏi độ chính xác cao, thời gian nghiên cứu và thực nghiệm cho đến khi được áp dụng trên con người rất dài, có khi đến hơn 10 năm. Giá bản quyền của phát minh cao.
- Trong việc mua sắm máy móc và trang thiết bị, do chúng ta còn nghèo, kinh phí ít nên đều mua qua phương thức trả chậm, chịu lãi suất ngân hàng và có trường hợp giá máy đội lên gấp đôi so với thực tế vì phết phẩy, trung gian.
- Chi phí đào tạo những thầy thuốc chuyên sử dụng các phương tiện này cũng khá cao.
Hiện nay, đang hình thành một khuynh hướng “chạy đua kỹ thuật” giữa các cơ sở y tế với nhau. Rất nhiều bệnh viện coi kỹ thuật cao là bộ mặt của mình trong quan hệ giao tiếp. Mặt khác, áp lực phải chẩn đoán đúng, điều trị đúng và dư luận đè nặng lên vai của người thầy thuốc cũng là động lực chạy đua. Ở những nước tiên tiến, tại các phòng cấp cứu có tỉ lệ chẩn đoán đúng bệnh ngay từ những lần khám đầu tiên là 25% và tại các phòng khám ngoại chẩn là 30%. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh là một quá trình cần có thời gian để theo dõi sát và nắm các diễn tiến của bệnh. Ở nước ta, rất nhiều người đã cố tình bỏ qua quy luật này.
Có thể nói sự hiểu biết về các phương tiện chẩn đoán và điều trị mới của bệnh nhân chưa thật đầy đủ. Không phải ai cũng biết mỗi loại bệnh, mỗi giai đoạn của bệnh có một phương pháp chẩn đoán và điều trị khác nhau. Do đó, người bệnh và thân nhân thường có áp lực về tâm lý và truyền áp lực đó sang cả thầy thuốc. Trong vấn đề này, cần đề cao vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc làm cho người dân hiểu rõ hơn nữa giá trị, chỉ định và kết quả của từng phương pháp điều trị mới; cần có những cố vấn chuyên môn về lĩnh vực y học khi xét đăng tải những tin, bài viết về chuyên môn...
Chụp cộng hưởng từ (MRI) tại một cơ sở y tế. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Hoàng Triều
Phương thuốc nào để chữa?
Hiện trạng ngành y tế nói chung ở nước ta là nếu nhìn riêng rẽ từng cơ sở y tế thì rất đẹp, rất hoành tráng, chủ nhân của nó đã cố gắng hết sức mình bằng mọi nguồn lực kể cả vay mượn, trả chậm... để biến cơ sở do mình phụ trách thành những trung tâm, những mũi nhọn. Nhưng nếu nhìn chung thì thấy thiếu sự cân xứng và có nhiều điều bất hợp lý. Đơn cử, có những bệnh viện trình độ của đội ngũ thầy thuốc chưa đủ để thông tim, nong mạch vành nhưng cũng cố “chạy” cho ra một cái máy DSA rồi trùm mền để đó, thỉnh thoảng có đoàn khách nước ngoài đến lại mang ra “biểu diễn” trên vài bệnh nhân, suốt năm chỉ có vài lần như vậy!
Cần phát huy vai trò của các hội chuyên khoa. Các hội này nên có ý kiến mạnh mẽ về một số trường hợp thổi phồng thông tin, dẫn đến hiểu sai tác dụng, chỉ định của một phương pháp chẩn đoán và điều trị, nhất là với các kỹ thuật cao; cần đề nghị công nhận kết quả xét nghiệm, kết quả điều trị của nhau trên cơ sở các quy chuẩn, từ đó tránh tình trạng bệnh nhân phải làm nhiều lần các loại xét nghiệm đắt tiền.
Đối với thầy thuốc: Cần mạnh dạn từ chối những yêu cầu không chính đáng của bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, thậm chí của những nhà quản lý về việc áp dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị. Chỉ thực hiện những kỹ thuật này khi xác định đúng chỉ định và tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế - xã hội của từng người bệnh. Người thầy thuốc giỏi là người chỉ định đúng, không lạm dụng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Với bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân: Nên trang bị cho mình những kiến thức y học tối thiểu, nhất là khi bị mắc những bệnh mạn tính. Việc này có thể thông qua sách, báo, truyền hình hay những buổi nói chuyện của các câu lạc bộ y học. Không nên tạo áp lực tâm lý cho thầy thuốc khi khám chữa bệnh. Khi thầy thuốc đề nghị một phương pháp chẩn đoán và điều trị, bệnh nhân hoặc thân nhân có quyền yêu cầu giải thích rõ những ưu, nhược điểm và giá của phương pháp đó, thậm chí đề nghị thầy thuốc trình bày nhiều phương pháp điều trị để mình chọn lựa.
Theo tiêu chuẩn của thế giới, một phương pháp chẩn đoán và điều trị được xem là có hiệu quả khi đạt các yêu cầu: Phải đại chúng, nghĩa là áp dụng được cho nhiều người, nhiều đối tượng; không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu; giá rẻ. |
Đề nghị ghi thông tin "Bản quyền: Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam - http://truongtoc.com.vn" khi sử dụng lại nội dung bài viết này