Hội đồng họ Trương HNN dâng hương tưởng niệm Danh nhân lịch sử Trương Hán Siêu

13:07 - 28/10/2019 Tin hoạt động Trương Ngọc Vui 15203

      HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG HÀ NAM NINH DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM DANH NHÂN LỊCH SỬ TRƯƠNG HÁN SIÊU

 

   Sáng ngày 18 tháng 10 năm 2019 nhằm ngày 20 tháng 9 Kỷ Hợi, Hội đồng họ Trương Hà Nam Ninh đã thay mặt cho đồng tộc cả nước tổ chức dâng hương tưởng niệm Danh nhân Lịch sử - Văn hóa Trương Hán Siêu nhân ngày giỗ lần thứ 655, tại đền Trương Thăng Phủ Từ dưới chân núi Non Nước, phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình.

    Về dự lễ dâng hương gồm có:

  • Ông Trương Tô Tân – Chủ tịch Hội đồng họ Trương Hà Nam Ninh

  • Ông Trương Đức Lộc – Cố vấn Hội đồng họ Trương Hà Nam Ninh 

  • Và các ông Bà: Trương Thanh Long, Trương Minh Họa, Trương Ngọc

 Vui, Trương Văn Hương, Trương Thúy Nga - Ủy viên Hội đồng họ Trương Hà Nam Ninh

  • Về dự lế dâng hương còn có bà Trương Thị Do – Phó chủ tịch Hội đồng 

họ Trương tỉnh Thanh Hóa.

Sau lễ dâng hương, anh em con cháu đã quần tụ tại khuôn viên thờ Mẫu để 

ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Tiên tổ.

    Danh nhân Trương Hán Siêu tên chữ là Thăng Phủ, hiệu Đôn Tẩu. Quê ở làng Phúc Am, lộ Trường Yên, nay là phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Sinh ngày 25 tháng 11 năm Giáp Tuất (1274)*, mất ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Ngọ(1354)**.Ông là một người có học vấn uyên bác, thông hiểu sâu sắc Nho giáo, Phật giáo, giàu lòng yêu nước và có nhiều công lao đối đất nước dưới thời trị vì của các Vua Trần. Ông được các Vua Trần tôn quý gọi là thầy. Trải qua 4 đời vua Trần, ông kinh qua các chức vụ: “Chính nghị Đại phu”, “Hàn lâm Học sĩ”, “Hành khiển”, “Hữu ty Lang trung”, “Tả ty Lang trung” kiêm “Kinh lược sử”, “Tả Gián nghị Đại phu”, “Tham tri Chính sự”. Sau khi ông mất được truy tặng chức Thái phó và đưa vào phụng thờ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Kinh đô Thăng Long cùng các bậc hiền triết xưa.

    Về tên gọi Hán Siêu, vùng Phúc Am, Ninh Bình còn truyền khẩu giai thoại rằng: Lúc còn nhỏ, Trương Hán Siêu thường đi chăn trâu, cắt cỏ, một lần cậu bé vào chùa nghe sư ông giảng kinh cho các phật tử. Lúc nghe xong ông lấy gạch non viết hết bài sư ông vừa giảng ra sân không thiếu một chữ, nét chữ tài hoa như rồng bay phượng múa khiến nhà sư kinh ngạc đón vào chùa nuôi dưỡng cho ăn học và đặt tên là Hán Siêu, hàm ý là một con người siêu việt, thông minh vượt hẳn người thường.

    Gần đây, những nhà nghiên cứu Văn hóa, Lịch sử đã sưu tầm, dịch thuật một số tài liệu lưu trữ và đã có thêm nhiều thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân Trương Hán Siêu như: vấn đề học vấn, công tích, dòng dõi, thờ tự v.v…Về học vấn, cuốn “Ninh Bình chí” viết năm 1831 đời Minh Mạng, cuốn “Ninh Bình toàn tỉnh chí khảo biện” của Trần Tử Mẫn viết năm 1872. Bia đá “Đại khoa tòng tự” niên đại Duy Tân của Phủ Yên Khánh và một số tài liệu khác đều ghi chép Trương Hán Siêu đã đỗ Thái học sinh (tức Tiến sỹ), sau đó được bổ làm “Hàn lâm Học sỹ”. Điều đó khẳng định và minh chứng cho việc Hưng đạo Vương Trần Quốc Tuấn vời Trương Hán Siêu vào tham dự triều chính, dạy dỗ các Hoàng tử là căn cứ xác đáng và phù hợp.

    Về công lao đóng góp của Trương Hán Siêu trong việc đặt nền tảng chính trị và pháp luật cho triều đình phong kiến, Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép: Đầu thế kỷ XIV triều Trần bước vào giai đoạn suy thoái, gian thần lộng hành kéo bè kết đảng ra sức vơ vét, tham nhũng, dân chúng nổi lên phản kháng sự cai trị yếu kém của chính quyền. Do đó, Chu Văn An đã dâng sớ “thất trảm tấu” đề nghị trị tội những viên quan tham quan ô lại, gây mất niềm tin trong nhân dân nhưng không được nhà Trần chuẩn tấu. Năm 1341, Trần Dụ Tông giao cho Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn xây dựng bộ “Hình luật”. Luật hình ra đời đã có nhiều thay đổi tiến bộ, giảm bớt các hình phạt thảm khốc, bổ xung nhiều giải pháp có tính răn đe, giáo dục. Bộ Hình luật đã góp phần rất lớn vào việc ổn định trật tự xã hội đương thời. Cũng trong giai đoạn này, Trương Hán Siêu viết xong bộ “Hoàng triều Đại điển”, làm nền tảng cho nhà Trần điều hành xã hội.

    Trong lĩnh vực quân sự, các tài liệu khẳng định Trương Hán Siêu đã có những đóng góp to lớn: Khi quân Nguyên Mông chiếm kinh thành Thăng Long, nhà Trần rút về Trường Yên, Ninh Bình, Trương Hán Siêu được Quốc công Tiết chế Trần hưng đạo giao cho thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống”, với phương châm lấy nhu thắng cương, lấy ít địch nhiều, ông đã tham mưu và trực tiếp tổ chức người đi các vùng quê thực thi rất tốt kế sách này, tạo nên thế trận toàn dân, toàn diện làm cho địch hoàn toàn bị động và lúng túng. Sau đó ông còn được cử làm Kinh lược sử ở Lạng Giang một thời gian. Năm 1353, Trương Hán Siêu khi đó tuổi đã cao vẫn được giao thống lĩnh quân Thần sách vào Hóa Châu dẹp tan sự cướp phá của quân Chiêm Thành, giữ vùng biên giới phía Nam được an lạc thái bình. Như vậy đương thời Trương Hán Siêu không chỉ là người vạch ra đường lối, pháp luật mà còn là người trực tiếp tham gia chống quân Nguyên Mông, cầm quân bảo vệ đất nước.

    Về dòng dõi, gia thế của Trương Hán Siêu, qua sự sưu tập, chắp nối của nhà báo Trương Thị Kim Dung – Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam nhiệm kỳ 2013 – 2016, một số tài liệu về hậu duệ của Trương Hán Siêu được ghi nhận qua gia phả họ Trương làng Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Gia phả ghi: “Từ đời thứ 7 đến ông Trương Hán Siêu có gia phả tại Phúc Am, Ninh Bình (quyển I). Từ ông Trương Hán Siêu đến ông Trương Phù Thuyết có gia phả tại tại xã Đâu Linh, Thanh Miện, Hải Hưng (quyển II). Căn cứ gia phả họ Trương Viên Nội thì hậu duệ của Trương Hán Siêu ở Thanh Miện, Hải Dương đã sinh ra Tiến sĩ Trương Phu Duyệt (thời Lê Uy Mục đến Lê Cung Hoàng) – Ông được tấn phong chức Thượng thư Bộ lại và được thờ tự là cụ Tổ của họ Trương Viên Nội. Con trai của Trương Phu Duyệt là Trương Thuần Trung đỗ Hương cống, được vua Lê phong “Hoằng tín Đại phu”. Hậu duệ Trương Phu Duyệt có ông Trương Phúc Vĩnh do có công với nước được phong “Lang trung Bộ binh”…Như vậy tại Viên Nội, hậu duệ của Trương Hán Siêu phát triển khá cường thịnh, nhiều người đỗ đạt làm quan trên nhiều lĩnh vực.

Trong cuốn “Danh nhân Trương Hán Siêu – Cuộc đời và sự nghiệp” của Giáo sư – Tiến sĩ Trương Quốc Bình có viết: Khi trấn thủ Sơn Nam, Thái phó Trương Hán Siêu lấy một người vợ ở Mai Cầu, Thanh Liêm và theo lời kể của các cụ cao niên thì Trương Hán Siêu có một người con trai với người vợ ở Mai cầu, đó là Trương Hán Mai, đỗ Tiến sĩ ở Trung Quốc và sau sống ở Tứ Xuyên (Vùng đất có gốc họ Trương Bách Việt).

Cũng theo cuốn sách trên, Giáo sư – Tiến sĩ Trương Gia Bình căn cứ vào “Trương tộc Chúc từ” ghi lại: Đời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1787) hậu duệ của Trương Hán Siêu ở đất Ninh Bình là Trương Công Loan đại thần triều Lê vốn là người khảng khái, yêu nước đã thẳng thắn tố cáo những kẻ tham quan, hại nước, bất đồng với việc Lê Chiêu Thống rước quân Thanh vào dầy xéo đất nước nên bị lập kế hãm hại, giam vào ngục thất. Nghe tin dữ, cháu con ở quê họp bàn mai danh ẩn tích, soạn thảo một văn bản mang tên “Trương tộc Chúc Từ” ghi lại nguồn gốc gia tộc và sao ra nhiều bản để mang theo khi chạy trốn. Cũng theo bản Chức từ, Trương Công Loan có năm người con, bốn trai, một gái. Khoảng những năm 1960 – 1961 họ Trương ở xã Khánh Mậu, Yên Khánh và họ Trương ở Khánh Dương, Yên Mô (Ninh Bình) đối chiếu Chúc từ đã nhận ra có chung một nguồn cội…

Căn cứ bài thơ “Vấn Trương gia tự cổ” của Đỗ Huy Liêu – Cử nhân, Huấn đạo huyện Yên Mô (Ninh Bình) có đoạn viết: “Tích tại Phúc Thành đáo thử Phương/Thủy cư La Ngạn cổ giang cương/Tiên sinh bát đại tân gia thực/Hậu duệ liên niên cựu sự trường…” (Vốn ở Phúc Thành đến nơi đây từ xưa/Ban đầu sinh sống ở bờ sông La Ngạn/Kể tự Tiên sinh (Trương Hán Siêu) đến nay đã tám đời/Các thế hệ cháu con nối nhau dài mãi…). Qua đó Giáo sư Trương Gia Bình nhận định: “những người họ Trương từ thôn La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đến Phúc Thành/Phúc Am thành phố Ninh Bình chính là hậu duệ trực hệ của Thái phó Trương Hán Siêu…”. Vùng La Xuyên trước đây có tên là La Ngạn. Hiện tại ở La Xuyên có một dòng họ Trương khá lớn có nguồn gốc từ Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam và một vài chi phái nhỏ nhưng không rõ nguồn cội. Một số bà con ở Yên Mô, Ninh Bình có nghe bề trên truyền lại là người gốc La Xuyên nhưng không có gia phả cụ thể để chắp nối nên chỉ biết vậy. Bên cạnh đó, Giáo sư – Tiến sĩ Trương Gia Bình cũng dẫn chứng nhiều tư liệu về hậu duệ của Trương Hán Siêu ở các vùng miền trên đất nước, tập trung nhiều hơn cả là quanh vùng Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương,Thanh Hóa. Những tư liệu về dòng dõi, gia thế và hậu duệ của Trương Hán Siêu là một vấn đề cần được các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tiếp tục khảo cứu, sàng lọc và xác định.

   Trải qua các thời đại, lịch sử và đất nước đều tôn vinh và ghi nhớ công ơn của Danh nhân Trương Hán Siêu. “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú chia các bậc Danh nhân đất nước làm hai bậc: Đế vương và người có công. Trong đó Trương Hán Siêu là một trong mười người thời Trần có công lao tài đức, bao gồm: Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hải, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại, Trần Nguyên Đán.

    Năm 1823, sau khi lên ngôi được 4 năm vua Minh Mạng đã cho xây  miếu “Lịch Đại Đế Vương” ở phía Nam Kinh đô Huế để thờ một số vị vua - quan tiêu biểu của đất Việt từ thời Hùng Vương đến trước thời Nguyễn. Nhà Nguyễn đã chọn 15 vị vua, một “Sĩ nhiếp” thời Bắc thuộc và 11 vị quan. Trong đó riêng thời Trần có 3 vị vua: Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và 4 ông quan: Trương Hán Siêu, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão. Qua đó xác định sự đánh giá công lao rất to lớn, toàn diện cả về văn và võ của Trương Hán Siêu đối với non sông đất nước và là một vinh dự rất lớn mà triều Nguyễn dành cho ông.

    Để ghi nhớ và tôn vinh bậc hiền tài đất nước, tên tuổi Trương Hán Siêu đã được đặt tên cho nhiều tuyến đường, trường học ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng tại Ninh Bình, Tỉnh Ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh đã tôn vinh Trương Hán Siêu là Danh nhân tiêu biểu của tỉnh, xây dựng quảng trường Trương Hán Siêu và hàng năm vào dịp lễ giỗ, các cơ quan, ban nghành của địa phương đều tổ chức đến dâng hương tưởng niệm. Nhiều giải thưởng được mang tên Trương Hán Siêu và các hoạt động văn hóa, lịch sử được tổ chức tại đền như một nơi nguồn cội và tự hào.

    Trong những năm qua, Hội đồng họ Trương Việt Nam, Hội đồng họ Trương Hà Nam Ninh và bà con dòng tộc đã có nhiều đóng góp trong việc tôn tạo. mở mang nơi thờ tự Tiền hiền Trương Hán Siêu tại Ninh Bình. Cùng với các cơ quan, ban nghành tại địa phương tổ chức tế lễ, dâng hương tưởng niệm Danh nhân trong những dịp lễ tết và ngày giỗ kỵ. Nhiều bài viết, tài liệu về Trương Hán Siêu đã được in ấn, tuyên truyền đến bà con dòng tộc, xây dựng niềm tự hào và gương sáng vì non sông đất nước để cháu con noi gương học tập.

 

                    Ninh Bình, ngày 25 tháng 10 năm 2019

                            Trương Anh Ngọc 

    Ghi chú:

  • (*): Tài liệu ghi theo “Tư ước đền Phúc Am” do  Đốc học Ninh Bình Đỗ Thời Viêm soạn ngày 24/12/1843 (Năm Thiệu Trị thứ 3).

  • (**): Đại Việt Sử ký Toàn thư.

 

Một số hình ảnh về lê dâng hương

 

 

Những tin cũ hơn

Trương Đình Hoàng xuất sắc hạ đối thủ Hàn Quốc, giành đai vô địch WBA

Trương Đình Hoàng xuất sắc hạ đối thủ Hàn Quốc, giành đai vô địch WBA

— 21 Tháng Mười 2019

Tối 19/10, sau khi đánh bại đối thủ người Hàn Quốc Gyu Hyun Lee trong 10 hiệp đấu, võ sĩ tới từ TP.HCM trở thành tay đấm đầu tiên của Việt Nam sở hữu chiếc đai WBA Đông Á danh giá.

Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam Trương Văn Đoan người giương cao ngọn cờ đoàn kết, kết nối dòng tộc

Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam Trương Văn Đoan người giương cao ngọn cờ đoàn kết, kết nối dòng tộc

— 18 Tháng Mười 2019

Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam Trương Văn Đoan nguyên là lãnh đạo cao cấp của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một vị lãnh đạo tài giỏi, có ý chí vững vàng, kiên định, phấn đấu hết mình cho đất nước, sau khi nghỉ hưu Bác đã dành cả tâm sức, trí tuệ, tiền bạc cho cho sự kết nối và phát triển của dòng tộc.

BÁO CÁO  HOẠT ĐỘNG CỦA CLB DOANH NGHIỆP HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM NHIỆM KỲ II

BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG CỦA CLB DOANH NGHIỆP HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM NHIỆM KỲ II

— 09 Tháng Mười 2019

Ngày 13 tháng 11 năm 2016, tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, Đại hội 
Đại biểu họ Trƣơng Việt Nam lần thứ II (nhiệm kỳ 2016-2019) đã đƣợc tổ chức 
thành công tốt đẹp.

Danh sách 10 loại công trình được miễn giấy phép xây dựng

Danh sách 10 loại công trình được miễn giấy phép xây dựng

— 09 Tháng Tám 2019

Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên sẽ miễn giấy phép xây dựng đối với 10 loại công trình sau đây.

Tin xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam, tháng 6 năm 2019

Tin xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam, tháng 6 năm 2019

— 17 Tháng Sáu 2019

Có lẽ cũng đã khá lâu, hôm nay tôi mới lại viết bài đưa tin về tình hình xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam, nhà thờ đang được xây dựng tại thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Giữa những ngày nắng nóng, oi bức của ngày hè tháng 6 thấy các Bác, các anh hầu hết là những người cao tuổi lăn lóc có mặt ngoài trời giám sát, theo dõi, chỉ đạo công việc cho thợ thi công tôi thực sự cảm động.