Là phóng viên trẻ với lòng nhiệt huyết và yêu nghề, tôi luôn sẵn sàng xách ba lô tác nghiệp ở những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất. Mỗi chuyến đi xa luôn mang lại những trải nghiệm thú vị, điều mà tôi không thể cảm nhận được nếu chỉ loanh quanh nơi thị thành hay các trung tâm phố thị ngàn hoa. Vào những ngày cuối tháng 4 năm 2018, tôi theo chân các anh chị ở Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam về với bà con thôn Mỹ Quan, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa để đưa tin về chương trình “Môi trường xanh và hạnh nguyện tốt lành”. Đây là chương trình do Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phối hợp với Hội đồng Họ Trương tỉnh Thanh Hoá và Ban trị sự chùa Thanh Vân (thôn Mỹ Quan, xã Hà Vinh) tổ chức thực hiện với các nội dung: Lễ trồng cây Bồ đề có nguồn gốc từ đất Phật; Trao Quyết định và kết nạp hội viên; Khám chữa bệnh thiện nguyện các bệnh về mắt và cột sống; Tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sỹ, học sinh nghèo vượt khó; Trao giấy chứng nhận “Ngôi chùa Xanh quốc gia” vì môi trường phát triển cho chùa Thanh Vân và vinh danh các tổ chức, cá nhân đã tham gia tích cực, đồng hành cùng chương trình.
Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện hoạt động công tác xã hội mà Trung ương Hội kinh tế môi trường Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện đến các địa phương trên cả nước nhằm thông tin kết nối, phổ biến kiến thức pháp luật, tri ân các gia đình chính sách, có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo xây dựng công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong nhiều năm qua, Trung ương Hội kinh tế môi trường Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện: Chương trình “Xuân ấm đảo xa” tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa;“Tri ân các Anh hùng liệt sĩ và dâng lễ cầu an” tại Di tích Côn Đảo; hành động vì Nền kinh tế xanh - Phát triển bền vững; “Thăm và tặng quà tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em khuyết tật” tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội; Chương trình “Tình nguyện hành động bảo vệ môi trường và khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng và học sinh nghèo vượt khó” tại xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội; “Môi trường Xanh và hạnh nguyện tốt lành” tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình...Các chương trình trên mang giá trị nhân văn sâu sắc và ý nghĩa cao đẹp, được các cấp chính quyền nhân dân cả nước hưởng ứng, các cơ quan truyền thông báo đài đánh giá cao và ủng hộ nhiệt tình.
Theo kế hoạch của Ban tổ chức thì chương trình diễn ra sáng ngày 21, 22/4/2018, để thuận tiện cho việc đưa tin một cách kịp thời, đầy đủ thì chiều ngày 20/4 nhóm phóng viên chúng tôi đã đi cùng đoàn xe của Ban tổ chức từ trụ sở của Trung ương Hội tại Thành phố Hà Nội về địa điểm tổ chức tại Chùa Thanh Vân (Hà Vinh). Ngồi trên xe, tôi có cuộc trao đổi với TS Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam làm trưởng ban tổ chức. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Tùng cho biết đã thực hiện thành công nhiều chương trình thiện nguyện xã hội, từ hiến máu nhân đạo, khám chữa bệnh, phát thuốc cho bà con và nhiều hoạt động khác tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Nhưng chuyến công tác lần này về với bà con và nhân dân làng Mỹ Quan, xã Hà Vinh mang ý nghĩa đặc biệt và sâu sắc nhất. Trưởng Ban tổ chức tâm sự rằng nơi đây là quê hương của cụ thân sinh ra ông và lớn lên từ làng quê thân thương này, đã gắn bó bao kỉ niệm sâu đậm thời thơ ấu. Nhắc đến quê hương, tôi thấy giọng ông hơi nghẹn ngào chia sẻ: “bà con ở đây cuộc sống còn nhiều khó khăn, là người con đi xa, ông luôn ấp ủ, đau đáu trong lòng và tâm niệm rằng một ngày nào đó sẽ có những chương trình hỗ trợ về phát triển kinh tế cho nhân dân địa phương, cũng như kết hợp với các tổ chức về y tế tuyên truyền, khám chữa bệnh cho bà con”.
Đoàn công tác về Hà Vinh lần này, còn có sự tham gia của các vị lãnh đạo Hội đồng họ Trương Thanh Hóa. Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Do – Phó Chủ tịch Hội đồng cho biết: “Hội đồng họ Trương Thanh Hóa tổ chức thành công Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2016-2020 với sự tham gia của trên 900 đại biểu, đại diện cho 60 tộc họ trên địa bàn xứ Thanh. Từ khi thành lập đến nay, Hội đồng họ Trương Thanh Hóa luôn quan tâm, chú trọng phát triển công tác đền ơn đáp nghĩa, khuyến học khuyến tài, thiện nguyện xã hội vì người họ Trương và toàn xã hội”. Bà Do cho biết thêm, Hà Vinh là địa phương có đông bà con họ Trương sinh sống, chuyến công tác lần này là cơ hội tốt để chúng tôi kết nối, giao lưu cũng như tiến tới tổ chức Đại hội họ Trương các huyện trong tỉnh, trong đó có huyện Hà Trung – Bỉm Sơn.
Vượt qua gần 200km, Đoàn công tác của chúng tôi về đến chùa Thanh Vân làng Mỹ Quan vào lúc chạng vạng tối. Đón tiếp Đoàn là ông Lê Xuân Thảo - Chủ tịch xã Hà Vinh và sư thầy Thích Tường Nguyệt - Trụ trì chùa Thanh Vân cùng nhiều bà con, phật tử tại địa phương. Hiện ra trước mắt tôi Hà Vinh là một miền quê yêu dấu, thanh bình, không khí trong lành mát mẻ. Làng Mỹ Quan trải dài trên diện tích khoảng 3km, nằm sát bờ đê, phía sau làng là cánh đồng lúa xanh ngát đang vào mùa trổ đồng, hương thơm bay thoang thoảng. Nơi đây gần như tách bạch với những âm thanh náo nhiệt của thế giới bên ngoài, người trong làng ai cũng biết nhau, có khi nắm rõ đến bốn, năm thế hệ. Tối hôm đó, trong cuộc nói chuyện, giao lưu với bà con, phật tử tại làng Mỹ Quan, tôi may mắn được cụ Trương Quang Ý (95 tuổi) người cao niên trong làng Mỹ Quan kể cho nghe về lịch sự hình thành và phát triển của chùa Thanh Vân. Cụ Ý cho biết từ khi còn nhỏ đã được ông bà trong làng kể lại là Chùa Thanh Vân được xây dựng từ Thời Lý. Theo sử sách ghi lại, Vua Lý Nhân Tông trong cuộc tổng chỉ huy đưa chiến thuyền ra cửa Thần Phù dẹp quân Chiêm Thành, khi đến đây thì mắc cạn, Ngài đã lên núi làm lễ, cầu trời khấn Phật và được linh ứng bằng trận mưa to gió lớn giúp chiến thuyền của nhà vua thoát nạn, tiếp tục ra khơi dẹp giặc. Sau khi định yên bờ cõi, nhớ đến công lao phù trợ của các bậc Thánh hiền, Nhà vua đã tổ chức xây dựng một ngôi chùa ngay trên khu đồi cao để tạ ơn trời đất và đặt tên là Thanh Vân Tự.
Theo kế hoạch thì chương trình khai mạc lúc 8 giờ sáng ngày 21/4, nhưng chưa đến 7 giờ hàng trăm bà con, phật tử 12 thôn trong xã đã có mặt đông đủ tại chùa Thanh Vân. Trước đó vài ngày Ủy ban nhân dân xã đã thông tin đến bà con về chương trình qua loa phát thanh nên nhân dân đã biết rõ kế hoạch.
Đúng 8 giờ chương trình khai mạc, tham dự buổi lễ về phía Ban tổ chức có PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Trung ương Hội kinh tế môi trường Việt Nam; TS Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội kinh tế môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng họ Trương Thanh Hóa; bà Trương Thị Do - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trương Thanh Hóa, về phía chính quyền địa phương có đại diện các cơ quan ban ngành: Thường vụ Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận tổ quốc huyện cùng các phòng ban (Phòng Văn hóa, Phòng kinh tế, Đài phát thanh truyền hình huyện Hà Trung); ông Nguyễn Văn Quân - Bí thư Đảng ủy xã; ông Lê Xuân Thảo - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hà Vinh, về phía Ban trị sự chùa Thanh Vân có Sư Thầy Thích Tường Nguyệt - Trụ trì chùa và hàng trăm bà con, Phật tử xã Hà Vinh tham gia. Trưởng Ban tổ chức TS. Trương Thanh Tùng phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh: “Trung ương Hội Kinh tế môi trường Việt Nam với sứ mệnh tập hợp, đoàn kết hội viên, tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng quản lý bảo vệ môi trường, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các hoạt động của Trung ương Hội Kinh tế môi trường Việt Nam ngày càng đa dạng và có trọng tâm, trọng điểm trong đó công tác nghiên cứu, phản biện xã hội, tổ chức Hội thảo khoa học vì môi trường xanh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân được đẩy mạnh và ngày một nâng cao”.
Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao Chứng nhận Ngôi Chùa Xanh cho chùa Thanh Vân. Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cũng như toàn xã hội đối với công tác tuyên truyền, vận động bà con, phật tử của quê hương Hà Vinh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường xanh sạch của Ban trị sự chùa. Nhận Giấy chứng nhận Ngôi chùa Xanh từ Trung ương Hội, sư Thầy Thích Tường Nguyệt trân trọng cảm ơn Ban tổ chức và cam kết sẽ vận động bà con phật tử phát huy hơn nữa các hoạt động thiết thực như trồng thêm nhiều cây xanh, quét dọn, vệ sinh hàng ngày khu vực khuôn viên chùa, cũng như không được đổ rác bừa bãi trong khu dân cư nông thôn gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan thôn xóm.
Cũng tại buổi lễ, thay mặt ban tổ chức Nhà báo Huy Thủy - Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường đã trao số tiền 10 triệu đồng đóng góp vào quỹ khuyến học, khuyến tài của địa phương cho ông Lê Xuân Thảo - Chủ tịch xã Hà Vinh. Thay mặt chính quyền địa phương, ông Thảo trân trọng cảm ơn các cơ quan ban ngành đã quan tâm, động viên hỗ trợ kịp thời về tinh thần, vật chất để bà con nhân dân nơi đây được chăm sóc sức khỏe y tế cộng đồng. Chương trình này hết sức nhân văn và ý nghĩa sâu sắc đối với bà con nhân dân xã nhà. Chủ tịch xã Hà Vinh cho biết, mặc dù là xã thuần nông, điều kiện kinh tế của còn nhiều khó khăn, nhưng học sinh ở đây luôn phát huy truyền thống hiếu học. Hàng năm tỷ lệ học sinh đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng tương đối cao.
Trong chương trình, lãnh đạo Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Hội đồng Họ Trương tỉnh Thanh Hoá đã trồng cây Bồ đề có nguồn gốc từ đất Phật tại khuôn viên chùa Thanh Vân.
Ban tổ chức đã trao tặng 125 suất quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, các Gia đình chính sách, Gia đình có công với cách mạng, các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hà Vinh. Đây là tấm lòng tri ân của Ban tổ chức đối với sự hy sinh, công hiến của các đối tượng chính sách của địa phương, hướng tới kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2018). Cũng như nhằm động viên, khích lệ, hỗ trợ kịp thời đối với các em học sinh có hoản cảnh khó khăn vươn lên học giỏi tại địa phương.
Đặc biệt, Ban tổ chức đã phối hợp với Bệnh viện Mắt Hà Đông, Hội Châm cứu đông y Thành phố Hà Nội khám, tư vấn và phát thuốc miễn phí các bệnh về mắt và cột sống cho bà con tại địa phương. Nhân dân xã Hà Vinh chiếm đại đa số làm ruộng, công việc đồng áng nặng nhọc nên hầu hết người dân ở nơi đây bị mắc các bệnh về mắt và đặc biệt là các bệnh như gai, vôi hóa cột sống. Chính vì thế, buổi khám bệnh của các bác sỹ nhận được sự tham gia đông đảo của người dân, các y, bác sỹ đã tận tâm làm việc và đầy trách nhiệm để không phụ lòng tin tưởng của bà con. Đúng 13h00 ngày 22/4 chương trình khám chữa bệnh kết thúc, những bà con cuối cùng được các bác sỹ khám, tư vấn cũng đã xong. Trao đổi với chúng tôi ngay sau khi chương trình kết thúc, TS Trương Thanh Tùng - Trưởng ban tổ chức cho biết, trong khoảng thời gian ngắn của chương trình, các Y, Bác sỹ chỉ có thể khám và tư vấn các bệnh mà không thể chữa trị đứt điểm bệnh lý được, vì vậy phải đưa bà con vào bệnh viện chuyên khoa với đầy đủ trang thiết bị y tế để chữa trị. Ban tổ chức sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân xã lập danh sách những người bị đục thủy tinh thể để đưa ra các bệnh viên chuyên khoa về mắt phẫu thuật miễn phí cho bà con.
Hy vọng rằng, sau chương trình này bà con nghèo bị đục thủy tinh thể ở Hà Vinh sẽ tìm lại được ánh sáng cuộc đời, mở ra một tương lai tốt đẹp hơn. Đây cũng là một trong những tôn chỉ, mục đích hoạt động của Trung ương Hội kinh tế Môi trường Việt Nam, ngoài công tác chuyên môn thì hoạt động thiện nguyện xã hội đã và đang được Ban lãnh đạo triển khai sâu rộng trên khắp các vùng miền của Tổ quốc với sự đồng hành của Quý doanh nghiệp, doanh nhân và toàn xã hội.
Ngày 28 tháng 10 năm 2018 ( tức ngày 20 tháng 9 năm Mậu tuất ) Hội đồng họ Trương Việt Nam cùng hội đồng họ Trương các địa phương Hà Nội, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Nam Đà Nẵng,TP Hồ Chí Minh về dự lễ tưởng nhớ 664 năm ( 1354 - 2018 ) ngày mất của Thái Phó Danh Nhân Trương Hán Siêu.
Nhận được thông tin về hoàn cảnh kém may mắn, mắc bệnh hiểm nghèo của cháu Trương Quang Bình và gia cảnh vô cùng khó khăn của anh Trương Văn Sử
Thực hiện chỉ đạo của Hội đồng họ Trương Việt Nam, thời gian vừa qua Ban xây dựng công trình nhà thờ họ Trương Việt Nam đã tích cực đôn đốc các đơn vị thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành những phần việc đã được giao khoán.