Đọc những dòng chữ ngắn gọn trên, làm cho chúng tôi lưu ý, tò mò về thân thế của một cậu ấm con quan, sinh ra và lớn lên giữa chốn quan đường, quyền môn trướng phủ, về sau lại ra tận đất cố kinh xuất gia học đạo, để rồi trở thành một vị Đại Hòa Thượng, một nhà văn hóa, một học giả được quý Ông, quý Thầy hết lời xưng tán, ngợi khen.
Sự lưu ý tò mò ấy đã đánh động trong tâm trí của tôi về một câu chuyện ngày xưa, có lần hầu trà Hòa Thượng Bổn Sư tôi - Ông Linh Mụ, tôi đã được nghe Ngài kể về chuyện thầy Thích Trí Chơn khi xưa đến xin xuất gia tại chùa Linh Mụ. Để rõ hơn về câu chuyện ấy, để cho sáng tỏ về những dòng thông tin ngắn gọn mà đầy gợi ý ấy. Tôi quyết định về quê, tìm đến Điện Bàn; hy vọng được tiếp cận với những người thân bên nội cũng như bên ngoại của Hòa thượng, mà lâu nay không hề nghe Ngài nhắc đến.
Từ quốc lộ 1A đi qua Quảng Nam, đến ngã ba Điện Thắng, quận Điện Bàn, đi về hướng Tây độ chừng 4 km, đến xã Điện Hòa hỏi làng Bích Trâm, hỏi các cụ Nghè Dung, Đốc Hóa thì ai cũng biết, nhưng hỏi làng Kim Thành, hỏi cụ Trương Xuân Quảng trước đây làm quan, thì ai cũng ngẩn ngơ ! Tôi đến nhà Thờ Họ Nguyễn làng Bích Trâm, là họ ngoại của Hòa Thượng, ngôi nhà thờ cổ kính, được người thân trong họ tộc cho biết nơi đây hằng năm giỗ lạp cúng tiến gì cũng đều chay tịnh cả, có mời Thầy về tụng kinh cầu nguyện nữa. Nơi đây, tôi cũng được xem gia phả họ Nguyễn, tôi lưu ý đọc kỹ từ cụ ông Nguyễn Nhự, tức ông ngoại của Hòa Thượng Thích Trí Chơn, người đã sinh hạ ra: Ông Nghè Dung, bà Nguyễn Thị Nữ Quyên, ông Đốc Đóa ..., Gia phả ghi rõ về Cụ Nguyễn Nhự như sau:
NGUYỄN NHỰ
(Ất Sửu 1865 – Nhâm Tuất 1922)
Chiến sĩ phong trào Duy Tân, quê làng Bích Trâm, huyện Điện Bàn ( nay là xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Là cựu học sinh trường Huấn – Điện Bàn, trường Đốc – Quảng Nam, đỗ cử nhân khoa Quí mão tại trường thi Nghệ An ( đúng là ông thi năm 1900 tại trường Thừa Thiên, nhưng quan Đề tuyển làm mất quyển thi của ông, nên Bộ Lễ cho Phụ thi ở trường Nghệ An năm 1903)
Ông là một trong các nhân vật nòng cốt tại các hội thương, hội học ở Phong Thử, Diên Phong, Phú Bông ( Điện Bàn ) cùng với tú tài Mai Luyện ( thân phụ cử nhân Mai Dị (1880 – 1928) từng học và dạy Quốc ngữ, mặc Âu phục, cúp tóc sớm nhất làm gương cho lớp hậu học và đồng bào. Chính các ông từng mặc đồ Tây, hớt tóc ngắn ... họp ở văn miếu Quảng Nam hô hào đồng bào biểu tình xin xâu giảm thuế năm 1908.
Cùng năm trên (1908) ông bị bắt một lần với Phan Thúc Duyện, Mai Luyện, Lê Bá Trinh..., Pháp và Nam triều kết án 3 năm tù, đánh 100 gậy, đến năm 1911 mới được trả tự do.
Năm 1916 ông tham gia khởi nghĩa Duy Tân, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông lại bị bắt giam, kết án đày Côn Đảo, nhưng ngay lúc đó ông bị bạo bệnh (kiết lị) nên vẫn còn giam tại nhà lao Hội An. Năm 1918 bệnh ông thêm nặng, nhà cầm quyền Quảng Nam cho đưa về quê nhà chờ chết!
Về quê được bốn năm, ông mất tại quê nhà, thọ 57 tuổi. Theo tài liệu của cuộc khởi nghĩa, nếu đại sự thành công, ông sẽ giữ chức Án sát Quảng Nam của chính quyền mới.
Hồi đậu cử nhân (1903), Tổng tài Quốc sử quán Nguyễn Thuật (1832 – 1911) có câu đối mừng ông đỗ đại đăng khoa:
“Khoa cử luân tài, thùy bả sĩ lưu khái tàm nghị,
Văn chương đắc ý, hảo tương vận sự phú hồng ngư”
Nghĩa:
Khoa cử chọn người tài, ai đem sĩ phu thở than cùng tằm kén,
Văn chương đắc ý thì làm những bài phú hay về hồng ngư.
Gia đình bên ngoại thì rõ ràng như vậy, nhưng khi tôi hỏi hỏi về gia đình cụ ông Trương Xuân Quảng, thì lạ thay: một người làm rễ nhà mình, chồng của cô ruột, dì ruột mình, mà phần lớn không ai biết cả, một vài người lớn chỉ biết rằng: gia đình ấy từ sau năm 1945 ly tán đã lâu rồi! Thậm chí trong gia phả họ Nguyễn cũng không ghi bà Nguyễn Thị Nữ Quyên, bởi lẽ giản đơn là không ai muốn liên lụy…
Ai có sống, có biết về giai đoạn lịch sử 1945, 1946 ... mới có thể hiểu hết sự khắt khe đến tàn nhẫn của chính quyền mới thời đó đối với những thành phần được gọi là phong kiến. trí, phú, địa, hào ... và mới có thể thấu hiểu được nỗi bi thương về hoàn cảnh gia đình của Hòa Thượng Thích Trí Chơn ngày ấy.
Nhớ về câu chuyện cũ, có lần Hòa Thượng Bổn Sư tôi – Ông Linh Mụ , kể cho tôi biết: Thầy Trí Chơn ngày xưa là chú Bình, vốn là con của một vị quan dưới thời chính phủ Nam Triều (…) Năm 1945, gia đình điêu tán, bị xóa sạch hết gia sản, anh em phải đào tẩu mỗi người một nơi để mưu tìm sự sống. Chú Bình được một người cậu ruột là ông Nguyễn Đóa (1) cưu mang, đưa về Huế và cho đi học thợ giày, tuổi đã 16 – 17 nên chú Bình đã hiểu rõ về cuộc đời và thân phận. Một hôm theo cậu đi chùa lễ Phật, chú Bình đã được cậu Đóa dẫn vào hầu thăm và giới thiệu với Hòa Thượng. Lần đầu được bái kiến Hòa Thượng Trụ trì chùa Linh Mụ, chú Bình liền có tâm cảm mến. Sau đó, có lần chú đã một mình đạp xe lên chùa Linh Mụ, lễ Phật xong rồi xin vào hầu Hòa Thượng. Nghe nói là cháu ông Đốc Đóa, và đã được nghe kể rõ về hoàn cảnh của chú Bình lần trước, Hòa Thượng liền bảo thị giả cho chú vào liêu gặp Ngài. Vì là người đã trãi qua bao chuyện thương tâm của một giai đoạn lịch sử, Hòa Thượng với tâm từ bi lân mẫn, đã ân cần hỏi han chia sẻ với người thiếu niên bất hạnh ấy. Rồi Hòa Thượng ân cần giảng giải: Từ ngàn Xưa đến nay, thế gian là trường tranh đấu, huyết hận ngập tràn, triều đại nào rồi cũng trải qua bao cảnh thăng trầm, thịnh suy, vinh nhục ... chứ có triều đại nào mà hưng thịnh mãi đâu. Bởi thế nên cụ Nguyễn Du cũng đã từng than:
Thiên niên cự thất thành quan lộ
Nhất phiến tân thành một cố cung
Do đó, cuộc đời chính trị, quyền bính lợi danh... xưa nay thật lắm vinh quang, nhưng cũng lắm chuyện đau lòng, oan khiên, hệ lụy... Cho nên Đạo Phật dạy chúng ta phải biết nuôi lớn từ tâm, biết sống khoan dung, mà không tranh giành thù hận, có thế mới thoát khỏi những nỗi khổ của oan gia trái chủ vay trả, trả vay! Con có duyên lành gặp được Tam Bảo, thường đến chùa lạy Phật, thì hãy chí thành vì người thân mà bái sám nguyện cầu cho những oan xưa nợ cũ sớm được tiêu tan, chứ đừng nên để sự buồn tủi, oán hận vướng bận trong lòng thì đâu có ích gì! Và như thế thì không những tự mình sẽ sớm có được một đời sống thanh thản tâm hồn, mà còn báo được ân sâu của cha mẹ…
…Những lời dạy đầy đạo lý mà thực tiễn, được nói ra từ một trái tim đầy yêu thương của Hòa Thượng đã là những giọt nước cam lồ tưới mát được thân tâm của chàng thiếu niên mười bảy tuổi, đang vì hoàn cảnh bi thương mà phải mưu sinh nơi đất khách xứ người. Nghĩ lại chuyện xưa như cơn ác mộng, chàng thiếu niên ấy đã quyết định giả từ những suy nghĩ về quá khứ bi thương để bước sang một con đường mới, quyết chọn cho mình một sự nghiệp mới: Trương Xuân Bình đã phát tâm xuất gia từ đó.
Hòa Thượng còn cho biết, từ khi vào chùa, chú Bình đã sống một nếp sống rất thầm lặng, không ồn ào, ít giao thiệp, cũng chẳng thích phô trương, tháng ngày chỉ biết miệt mài kinh kệ tinh chuyên, và chăm lo học tập; căn phòng của chú là một góc ở sau điện Quan Âm. Bây giờ gặp những người Phật tử chùa Linh Mụ ngày xưa, hỏi Thầy Trí Chơn thì không mấy ai biết được, nhưng nói chú Bình ở điện Quan Âm thì ai cũng nhớ, cũng nhắc và không thiếu lời thán phục, ngợi khen.
* * *
Kể từ lúc cất bước ra đi cho đến cuối đời, Ngài đã không một lần về thăm quê cũ; gần 50 năm xuất ngoại, chưa một lần trở lại cố hương. Không một đồng bạc gởi về cho người thân, nhưng tâm từ bi thì phủ trùm lên tất cả. Gia cảnh bị thảm hại đau thương, mà lòng thì không bao giờ vấn vương oán hận, cụ thể là tiểu sử chỉ ghi lại: con ông Trương Xuân Quảng (mất năm 1945)…
Học hành đỗ đạt, Tú tài, Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, xứng đáng là hậu duệ của cụ Đốc, cụ Nghè. Hoằng pháp lợi sanh, vị cả ngôi cao, lãnh đạo giáo quyền, rỡ ràng nối dòng Trừng Nguyên long tượng. Thế nhưng, cuộc sống thì hết sức giản dị khiêm cung; chẳng có ô tô, chẳng cần võng lọng. Kiến lập pháp tràng, mở mang Giáo hội, tất cả là làm cho Phật Pháp chứ chẳng bận riêng tư; khi biết hóa duyên đã mãn, thì thanh thản buông tay, chẳng muốn phiền lụy đến người, thật là an nhiên tự tại.
Kính bạch giác linh Thầy,
Trước khi dừng bút bài viết nầy, con xin thành tâm sám hối, nếu như những điều con viết ra trên đây có xúc phạm đến hạnh nguyện của Thầy. Thầy đã từng cầm bút viết cả hàng vạn trang sách, thế nhưng những điều trên Thầy lại không muốn viết ra; mà con lại viết. Những điều mà suốt cuộc đời Thầy không bao giờ nhắc lại, mà con lại gợi nhắc kiếm tìm. Con viết ra đây không phải là đề gợi lại một quá khứ đau buồn để cho người đời cảm thông, thương hại; vì điều đó Thầy có cần chi ! Con kể lại chuyện trên không phải là để khoe khoang nhân ngã, phân giải thị phi; vì tất cả những điều đó Thầy đã từng buông bỏ!
Con viết những dòng nầy ra đây, là muốn nêu lên một tấm gương sáng của một bậc thượng nhân xuất gia trọn vẹn. Cát ái từ thân, xa quê bỏ xứ, đó là Thầy đã xuất thế tục chi gia. Ân oán sạch không, thị phi chẳng bận, khiêm hạ khoan dung, suốt đời thong dong thanh thoát, đó là Thầy đã xuất phiền não chi gia. Dự tri thời chí, chánh niệm an nhiên, thâu thần viên tịch, đó là điềm lành chắc chắn Thầy sẽ xuất tam giới chi gia.
Tất cả những điều nầy, dù Thầy không muốn nói, nhưng chúng con thì phải biết, cần biết. Biết để chiêm nghiệm, biết để học hỏi và biết để noi theo. Bởi lẽ thời nay, trong tất cả chúng con, đâu có phải đã không còn những người: thân tuy xuất gia, mà lòng thì còn đa mang hệ lụy, hành xử thế thường; khiến nổi đạo nhà nhiểu nhương loạn động, Chánh pháp vì thế suy vong!
Lời xưng tán nầy đối với Thầy, thật thấm thía và xúc động ngay từ buổi ban đầu thế phát xuất gia. Và, giờ đây nghĩ lại cũng thật xứng đáng biết bao, khi mà giữa cảnh đời dẫy đầy ác trược nầy, Thầy đã trở thành một bậc thiện thệ, đi trọn con đường quang minh và cao khiết một cách tuyệt vời, con đường mà Thầy đã chọn từ dưới mái chùa Linh Mụ thiêng liêng, khi Thầy vừa gặp được một bậc minh sư: Ôông Linh Mụ .
Chùa Long An, cuối xuân Tân mão - 2011
Pháp đệ Hải Tạng (Thích Hải Tạng)
(1) Ông Nguyễn Đóa (1896-1993), người làng Bích Trâm-Điện Bàn-Quảng Nam, từng là Giáo sư trường Quốc Học – Huế, sau giữ chức Đốc học tỉnh Thừa Thiên đến năm 1945, sau năm 1945 là Giáo sư Trung học Bồ Đề tại Huế.
TIỂU SỬ VÀ CÔNG HẠNH CỐ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ CHƠN-
TRƯƠNG XUÂN BÌNH (1933-2011)
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam, là con thứ sáu trong một gia đình mười hai anh chị em.
Thân sinh của Cố Trưởng Lão Hoà Thượng là cụ Trương Xuân Quảng, mất năm 1945, nguyên quán làng Kim Thành, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làm quan dưới thời Pháp thuộc, được bổ nhậm chức Kiểm Học (tương đương với Trưởng Ty Nha Học Chánh dưới thời các chính phủ quốc gia sau này) tỉnh Bình Thuận năm 1933 -- 1939, và Đốc Học tỉnh Quảng Ngãi năm 1940 -- 1945.
Nhờ túc duyên với Phật Pháp, nên đến năm 1950, Cố Trưởng Lão Hoà Thượng đến Chùa Linh Mụ, thành phố Huế (Thừa Thiên), xin xuất gia làm đệ tử Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Đôn Hậu, Đệ tam Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, và được Hòa Thượng Bổn Sư cho pháp danh là Tâm Chánh, pháp hiệu là Trí Chơn.
Sau mấy năm hầu Thầy, học đạo và trao dồi giới hạnh đến năm 1956, Ngài được Bổn Sư cho thọ giới Sa Di tại Chùa Linh Mụ.
Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân, Ngài được mời làm Hiệu Trưởng trường Trung Học Bồ Đề tại thị xã Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), cao nguyên Trung Phần, từ năm 1958 tới 1959.
Từ năm 1961 đến năm 1965, Ngài làm giáo sư môn văn chương và Phật Pháp tại các trường Trung Học Bồ Đề tại Huế, giảng sư Tỉnh Hội Phật giáo Thừa Thiên miền Vạn Hạnh (Trung Việt) và biên tập viên các tạp chí Phật giáo như Nguyệt san Liên Hoa ấn hành tại Huế, và Từ Quang tại Sài gòn.
Nhận thấy có đủ nhân duyên để thọ nhận đại giới và được Hòa Thượng Bổn Sư khả chứng, năm 1965 Ngài thọ Cụ Túc giới (Tỳ Kheo) tại Đại giới Đàn Vạn Hạnh, chùa Từ Hiếu, (Huế).
Từ năm 1965 đến 1966, Ngài được Ban Đại Diện Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Miền Vạn Hạnh đề cử qua nghiên cứu Phật giáo tại Thái Lan. Từ năm 1966 đến năm 1977, Ngài sang du học tại Ấn Độ gần 12 năm, và đã tốt nghiệp các văn bằng sau đây:
- Văn bằng Palyacharya (Giáo thọ Pali), tương đương Cử Nhân Cổ ngữ Pali tại Đại học Sanskrit Vishvavidyalaya ở Darbhanga, (tiểu bang Bihar), năm 1968.
- Cử nhân đặc biệt Anh ngữ tại Đại Học Magadha (Ma Kiệt Đà) ở Bodh Gaya (tiểu bang Bihar), năm 1969.
- Thạc Sĩ chuyên về các môn Kinh, Luật, Luận, văn Học Sử Pali và Khảo cổ Phật giáo tại Đại Học Nalanda (Bihar), năm 1971.
- Tiến sĩ (Ph. D) Triết Học Phật giáo tại Đại Học Magadha (Bihar), năm 1976.
Năm 1977, Ngài được Cố Hoà Thượng Thích Thiên Ân bảo lãnh sang Hoa Kỳ hoằng pháp, làm giảng sư Giáo Hội Liên Hữu (Tổng Hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ), Chùa Việt Nam (Los Angeles) và chủ bút Nguyệt san Long Hoa.
Một năm sau khi đến Hoa Kỳ, Ngài bắt đầu công tác kiến lập cơ sở để hoằng pháp. Vì vậy, năm 1978 Ngài khai sơn Chùa Vạn Hạnh tại San Diego, California, và làm Lãnh Đạo Tinh Thần cho Hội Phật Giáo Việt Nam tại đây đến năm 1984.
Trong thời gian đó Ngài vẫn đảm nhận các Phật sự của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Cụ thể là từ năm 1982 đến năm 1984, Ngài được suy cử vào chức vụ Phó Hội Chủ Kiêm Ủy Viên Tổng Vụ Tăng Sự, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
(TĐT lược trích theo Hophapnet\ThichTriChon\ThichTriChon hophapnet và Tạng thư Phật học )
Bắt đầu tiếp xúc với sách qua những câu chuyện từ bà để rồi ấp ủ mơ ước được trở thành nhà sưu tập sách. Tình yêu và lòng đam mê sách giúp ông trở thành chủ sở hữu một kho sách đồ sộ và viết nên nhiều cuốn sách giá trị.
Sau “Candy” (Thu Thuỷ) và “Sẽ mãi bên anh” (Thanh Ngọc), Trương Thanh Hiếu đang ngày càng quen thuộc với khán giả và được nhiều ca sĩ “săn đón”. Tuy nhiên, ít ai biết rằng anh chàng nhạc sĩ này vẫn cón rất trẻ, thuộc thế hệ 9X thôi đấy.
16h05 ngày 2/8/2011, nhà thơ Trương Công Thuốt trút hơi thở cuối cùng trên đường chuyển từ Thành phố về nhà, để lại niềm tiếc thương cho gia đình, bạn bè văn nghệ... Thế là dân Đồng bằng vắng một nhà thơ, thế là bạn bè văn nghệ vắng một bạn thơ. Từ đây trên văn đàn sẽ không còn thấy xuất hiện cái tên Trương Công Thuốt. Âu, cũng là quy luật của tạo hóa. Xin thắp một nén nhang tưởng nhớ anh...
Kết thúc những trang viết về vương triều Trần, sách Đại Việt sử ký toàn thư, phần Bản kỷ quyển IX cho biết: “Trở lên là nhà Trần 12 đời vua, từ năm Bính Tuất - 1226 đến năm Kỷ Mão – 1399, cộng là 174 năm, và nhà Hậu Trần hai đời vua, cộng 7 năm”(1).
Sinh năm Canh Thìn (1940) tại Huế, bác sĩ Trương Thìn - nguyên Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP.HCM, Chủ tịch Hội Đông y và Hội Châm cứu TP.HCM, Chủ nhiệm bộ môn Y học cổ truyền của Trung tâm ĐT&BD cán bộ y tế TP.HCM rất “nặng lòng” với thơ, nhạc, hoạ.