Ngày 25/7/2013 có lẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên với nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường (khi đó là Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ) với vai trò là một trong những “người trong cuộc” đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam – Hoa Kỳ “cập bến” Đối tác toàn diện. 10 năm sau, khi chẳng ai có thể phủ nhận tính đúng đắn của quyết định đó thì ngược chiều kim đồng hồ trở lại, nhiều người trong hành trình lịch sử ấy đã phải vượt qua chính mình với một tầm nhìn xa. Đâu đó, gạt đi những trăn trở riêng tư để thấy một Việt Nam quyết tâm tạo “cầu vồng” trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sau bao giông bão! |
Vâng, đúng là trong đầu tôi lại ùa về biết bao cảm xúc, bao kỷ niệm khi được chứng kiến và trực tiếp tham gia vào quá trình chuẩn bị cho việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ cách đây đúng 10 năm. Tôi vẫn rất xúc động khi nhớ lại những thời khắc của cuộc hội đàm ngày 25/7/2013 tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama và Chủ tịch nước Việt Nam khi đó là ông Trương Tấn Sang. |
Một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7/2013. |
Cuối cuộc hội đàm, ông Trương Tấn Sang đã trao cho ông Barack Obama bản sao bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman ngày 16/2/1946, trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mục tiêu của Việt Nam là “độc lập hoàn toàn và hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ. Ông Sang đã nói với ông Obama rằng: “việc chúng ta quyết định nâng cấp quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước hôm nay chính là ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 67 năm”. Ngay sau khi kết thúc hội đàm, hai nước đã công bố bản Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện nhằm “xây dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy quan hệ” trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Đây cũng là văn kiện chính thức đầu tiên mà phía Hoa Kỳ công khai tuyên bố tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam.
Tôi cho rằng sự kiện lãnh đạo hai nước quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào ngày 25/7 năm đó cũng là một dấu mốc lịch sử rất quan trọng trong quan hệ hai nước. Trước hết, đó là dấu mốc của sự trưởng thành mới trong quan hệ hai nước kể từ khi bình thường hoá quan hệ vào năm 1995 và với dấu mốc mới này, từ cựu thù hai nước đã chính thức trở thành đối tác toàn diện của nhau. Kể từ đây, hai nước bắt đầu khởi động sự hợp tác đầy đủ, bình đẳng và cùng có lợi trên 9 lĩnh vực ưu tiên từ chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, tới kinh tế thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, du lịch, giao lưu nhân dân… Đó cũng là dấu mốc quan trọng của đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam. Từ đây, Việt Nam đã xác lập được các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn, các đối tác quan trọng của Việt Nam, trong đó có đầy đủ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Điều đáng nói là nếu như cách đó 67 năm, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ bày tỏ Việt Nam mong muốn xây dựng quan hệ “hợp tác đầy đủ” thì phía Hoa Kỳ lúc đó đã không đáp ứng. Đến thời điểm năm 2013 chính phía Hoa Kỳ lại chủ động bày tỏ sẵn sàng nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Chỉ riêng việc này đã chứng tỏ thế và lực của Việt Nam đã khác xưa rất nhiều. Thực tế những gì đã diễn ra trong quan hệ hai nước 10 năm qua cho thấy đây là một quyết định đúng đắn. Quyết định đó đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác quan trọng giữa hai nước, cũng như trong việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Kỷ niệm thì không ít và tôi cũng đã có một số dịp chia sẻ với các báo chí trong nước, trong đó có cả “báo nhà” (tức báo Thế giới & Việt Nam - PV). Hôm nay, tôi muốn kể thêm một vài kỷ niệm đáng nhớ liên quan đến chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện cách đây 10 năm. Đây cũng là lần đầu tiên tôi chia sẻ với báo chí những câu chuyện này. Chuyện đầu tiên là việc vào tháng 4/2013, tức là khoảng ba tháng trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước, tôi đã khá bất ngờ khi được Nhà yêu cầu về nước để trực tiếp báo cáo về quan hệ hai nước. |
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam lần thứ 68 tại Washintong D.C năm 2013. |
Thông thường, với các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo ta, Đại sứ ta ở nước ngoài sẽ chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan ở trong nước để lo công tác chuẩn bị ở chính nước sở tại, rất hiếm khi được gọi về nhà báo cáo như vậy. Về nước, tôi đã được bố trí để gặp và trực tiếp báo cáo với từng đồng chí lãnh đạo cấp cao. Tại các cuộc gặp đó, tôi cũng đã mạnh dạn kiến nghị đây là thời điểm tốt để hai nước tính tới việc nâng cấp quan hệ. Tôi nói là “mạnh dạn” bởi tôi hiểu vào thời điểm đó trong nội bộ ta, kể cả ở cấp cao vẫn có thể còn có những ý kiến khác nhau về quan hệ với Hoa Kỳ và điều đó cũng là hoàn toàn bình thường. Nội bộ Hoa Kỳ cũng vậy mà! Qua đó, tôi càng hiểu rõ là các lãnh đạo ta khi đó đã rất thận trọng, cân nhắc mọi yếu tố nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nội bộ cho việc xác lập một khuôn khổ mới toàn diện cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ cho nhiều năm tiếp theo. Một chuyện khác là khi vừa đặt chân đến thủ đô Washington D.C, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ngay lập tức có hàng loạt hoạt động với các giới khác nhau của Hoa Kỳ trước khi hội đàm với Tổng thống Obama. Ngồi cùng xe ô tô để tháp tùng ông, tôi nhận thấy một bên chân của ông bị đau và có vẻ khá khó khăn mỗi lần lên xuống xe. E ngại, tôi hỏi chân ông có vấn đề gì không và ông có cần uống thuốc không. Ông phẩy tay và nói không sao, chân ông vẫn bị đau từ hàng chục năm nay rồi. Lý do là trong chiến tranh ông bị địch bắt và tra tấn nhưng kiên quyết không khai báo và một cố vấn Hoa Kỳ lúc đó tức quá đã đạp mạnh vào đầu gối, khiến chân ông bị gãy, và ông vẫn bị đau cho đến ngày hôm nay mỗi khi thời tiết thay đổi.
Tôi ngồi lặng đi một lúc lâu. Sau đó, khi gặp vị cố vấn của Tổng thống Obama tại Hội đồng An ninh quốc gia, người chịu trách quan trọng trong việc chuẩn bị cho chuyến thăm, tôi có kể cho vị cố vấn đó câu chuyện này và nói thêm rằng một số lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam lúc đó từng chiến đấu trong chiến tranh, bị thương tật như ông Sang, có người vẫn còn những mảnh đạn của Mỹ găm trong người, có người đã mất đi những người thân nhất trong chiến tranh, vậy mà nay họ lại đồng tình gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt và đồng ý xác lập đối tác toàn diện và phát triển hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ thì đây đúng là một cơ hội lịch sử. Vị cố vấn của Tổng thống Hoa Kỳ bày tỏ đồng tình với nhận xét của tôi và hỏi lại là liệu ông có thể báo cáo Tổng thống Obama chi tiết này không. Tôi nói tùy ông quyết định. Tiếp đó, vị cố vấn lại hỏi là Đại sứ có còn băn khoăn, lo lắng gì về chuyến thăm không. Tôi liền yêu cầu phía Hoa Kỳ bảo đảm không để xảy ra bất cứ sự cố không hay nào có thể ảnh hưởng đến kết quả của chuyến thăm. Vị cố vấn trả lời ngay là Đại sứ có thể hoàn toàn yên tâm, phía Hoa Kỳ sẽ lo chu đáo nhất có thể và cam đoan là sẽ không có bất kỳ “sự cố” đáng tiếc nào cả. Thực tế đã diễn ra đúng như cam kết của phía Hoa Kỳ. Cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước ta và Tổng thống Obama diễn ra rất cởi mở, thẳng thắn và thành công. Có lẽ qua câu chuyện trên, phía Hoa Kỳ cũng hiểu thêm về lãnh đạo Việt Nam và đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo ta khi đồng ý phát triển hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với nhiều nội dung thực chất với Tổng thống Joe Biden vào cuối tháng Ba năm nay. |
Tôi rất mừng khi thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với nhiều nội dung thực chất với Tổng thống Joe Biden vào cuối tháng Ba năm nay. Hai nhà lãnh đạo cao nhất đã nhất trí có những đánh gia tích cực về sự phát triển của quan hệ hai nước trong 10 năm qua kể từ khi hai nước trở thành Đối tác toàn diện của nhau. Đặc biệt quan trọng là hai nhà lãnh đạo đã đồng ý giao các cơ quan chức năng của hai bên trao đổi các nội hàm cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới theo tinh thần tiếp tục nâng cấp mối quan hệ này. Hai nhà lãnh đạo đã nhận lời trao đổi đoàn cấp cao trong thời gian tới và giao cho các cơ quan liên quan thu xếp “vào thời gian phù hợp”. Cá nhân tôi nghĩ năm nay là năm kỷ niệm 10 năm hai nước thiết lập Đối tác toàn diện, chắc cũng là một trong những khung “thời gian phù hợp” để thực hiện chuyến thăm cấp cao đó chăng. Tôi hiểu là các cơ quan chức năng của hai nước đang tích cực triển khai các thỏa thuận trên của lãnh đạo cấp cao hai nước. Tôi không muốn “cầm đèn chạy trước ô tô” để đưa ra những dự đoán này nọ. Chúng ta cùng chờ xem quan hệ hai nước sẽ cập “bến bờ mới”, như cách bạn gọi, là “bến bờ” gì nhé! Cá nhân tôi khá lạc quan và tin tưởng vào tương lai phát triển hơn nữa của mối quan hệ khá là đặc biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong nhiều năm tới.
Điều này vừa đáng mừng, vừa đáng lo. Mừng vì đây là một cơ hội để ta có thể thu hút được thêm nhiều doanh nghiệp của Hoa Kỳ, trong đó cũng những tập đoàn lớn đầu tư sản xuất ở các địa phương của chúng ta, và Việt Nam có thể tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên nếu gọi là một “làn sóng” mới thì có lẽ còn quá sớm. Còn rất nhiều việc chúng ta phải làm để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, nhất là trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của họ…
Chúng ta cũng cần biết rằng các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội sản xuất, làm ăn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác trong khu vực. Vì vậy, việc nâng cao khả năng, lợi thế cạnh tranh của ta luôn luôn là một thách thức vì các nước khác họ cũng tích cực làm những việc tương tự. Lo là nếu ta quá chú trọng vào việc thu hút FDI mà không ưu tiên đủ vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước vươn lên thì các doanh nghiệp của ta có nguy cơ không tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết và tham gia tốt bằng chính các doanh nghiệp nước ngoài, và kết quả là nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng bị hụt hơi và bị thua ngay chính trên sân nhà của mình. Vì vậy, đây là một bài toán không hề dễ giải cho các nhà hoạch định chính sách, các địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam.
Thực hiện: Phương Hằng | Thiết kế: Anh Tuấn | Ảnh: TTXVN, VGP… |
Lễ tưởng niệm đã ôn lại sự kiện cách đây 35 năm, vào ngày 14-3-1988, đã diễn ra cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc tại đảo đá Gạc Ma.
Sáng 5/3, tại xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), Ban Trị sự họ Trương - Mỹ Khê (Quảng Ngãi) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 400 năm họ Trương - Mỹ Khê. Dự lễ có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Ngọc Dũng; nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa và Nay; cùng hơn 500 con cháu tộc họ Trương.