Xuống xã Lương Quới (Giồng Trôm, Bến Tre) hỏi nhà chú Hai Nghĩa, đám trẻ con rành mạch: “Đi nữa, quẹo tay mặt là thấy nhà ông Hai có bờ rào ô rô xanh nhứt à”.
Nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tưới rau tại vườn nhà
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tôi tần ngần trước vườn cây tràn ngập nắng trưa, khiến ông già nhỏ thó, đen sạm dưới vành mũ vải nhàu nhĩ, áo nâu quần cụt, chân đất, buông vòi tưới cây chạy ra sốt sắng: “Tôi Hai Nghĩa, Trương Vĩnh Trọng nè”.
Căn nhà ông nằm lút trong vườn, mới nhìn cứ tưởng làm bằng gỗ quý, nhưng té ra toàn là cột xây giả gỗ. Vẫn đầm đìa mồ hôi, tay chân lấm lem bụi đất, ông lục tủ bếp bê ra đĩa thanh long đỏ chót, giúi vào tay khách: “Ăn đi, nhà tui bao năm nay không phải mua rau củ quả. Thịt cá thì mua ngoài chợ xã, sạch và an toàn hết”. Vợ ông, bà Hồ Công Cẩn, 70 tuổi, nhìn chồng, nguýt dài: “Ổng giờ cắm cúi với vườn từ 5 giờ đến lúc gà lên chuồng, bỏ cả ngủ trưa thì sao cây trái không lớn”.
Khu vườn hạnh phúc
Khoảnh vườn rộng 5.000 m2 được ông bà mua từ năm 1983 (khi ông còn công tác ở huyện) và qua gần 30 năm rửa mặn..., tới lúc ông nghỉ hưu mới thành hình khu vườn vuông vức, mương nước chia lô từng loại cây trái, rau củ.
Tháng 7.2011, nhận quyết định nghỉ hưu, lập tức ông trả căn nhà công vụ ở số 11 Chùa Một Cột (Ba Đình, TP.Hà Nội). Những vật dụng tự mua sắm, phần thì cho tặng anh em phục vụ, số còn lại ông nhờ anh em của một đơn vị ở Bến Tre ra công tác, bốc lên chiếc xe tải, thuê chở từ Hà Nội về căn nhà ở Bến Tre.
“Hôm trước nhận quyết định nghỉ hưu, hôm sau ổng dọn đồ ngay nên anh em Văn phòng Chính phủ chẳng kịp sang giúp. Vợ chồng bay vô TP.HCM, chỉ ở lại với con cháu đúng 1 đêm, sáng hôm sau ông hối về ngay Bến Tre chờ đồ chuyển vào, sắp xếp lại nhà cửa và hít hà khoan khoái: Từ giờ, chính thức tôi với bà là vợ chồng ở bên nhau. Tôi làm vườn còn bà làm nội trợ”, bà Hai Cẩn nhớ lại vậy.
Ở nhà được vài ngày, ông bắt đầu việc nhà nông bằng chuyến sang nhà bạn ở H.Chợ Lách (Bến Tre) xin 20 gốc bưởi da xanh, đến nhà em rể ở Bến Cát (Bình Dương) xin thêm 25 gốc bưởi.
Bà con trong xã thấy ông Hai comple cà vạt, ngồi xe BS 80B máy lạnh đường bệ ngày nào giờ quần ngắn, áo xanh công nhân hì hục đào hố lót phân, mướt mải ngồi xe máy, ôm gốc bưởi, nên bảo nhau mang cây giống đến tặng.
Khu vườn được ông chia ra chỗ trồng bưởi, trồng cam sành, trồng bơ… Dưới các gốc cây lâu năm, xanh mướt rau cải, muống, khoai lang chen lẫn hành ngò, gừng, ớt, rau thơm… 4 năm cặm cụi vườn tược, những cây cam - bưởi trồng đầu tiên đã ra trái, ông bà lại lụi hụi xách tặng hàng xóm, bà con trong ấp như lời cảm ơn người tặng cây.
Buổi chiều, chú Hai đứng trước những thân cây bơ cao ngang thắt lưng, trầm giọng: “Tôi đang trồng thử nghiệm loại này trên nền đất phèn Bến Tre, nếu thành công sẽ san sẻ giống, mang lại thu nhập cao cho bà con. Mình có điều kiện, có thất bại cũng không sao nhưng với bà con nghèo, mấy chục ngàn đồng mua cây giống cũng là gia tài…”.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Lương Quới, kể thêm: “Năm trước chú Hai gây giống khoai lang Mỹ chịu hạn, lớn nhanh, ăn ngon từ củ đến thân lá nên đi đâu cũng gọi bà con đến nhà cho cây giống, dạy cách chăm trồng”.
Nguyên Phó thủ tướng và phu nhân với cuộc sống sum vầy tại quê nhà |
“Gói thuốc miễn phí”
Chùa Hưng Quới nằm giữa ấp Lương Thuận (Lương Quới, Giồng Trôm, Bến Tre), yên tĩnh. Dân Lương Thuận tiếng là gộc “xứ dừa Đồng Khởi” nhưng nghèo khó, quanh năm bám mấy công ruộng “đánh bạc” với trời nên có muốn thăm chùa thờ Phật cũng đành chịu.
Năm 2011 về Lương Thuận nghỉ hưu, chú Hai Nghĩa kêu gọi bà con, bạn bè, người thân giúp cải tạo, xây dựng thêm một số hạng mục cho chùa. Sư cô Diệu Phụng, trụ trì chùa Hưng Quới kể mỗi tháng nhà chùa đưa phật tử lên các vùng rừng núi tìm vị thuốc nam, về chế biến thành các bài thuốc chữa bệnh phát miễn phí cho bà con trong vùng. Các chuyến đi, gia đình chú Hai Nghĩa đều hỗ trợ tiền xe đi lại hoặc phụ giúp một phần tiền ăn ở cho phật tử.
Năm này qua năm khác, mô hình “gói thuốc miễn phí” của chùa Hưng Quới đã được nhiều người biết và ai qua lấy cũng gửi lại nhà chùa từ vài nghìn đến vài chục nghìn cho các chuyến tìm thuốc tiếp theo. Thấy phật tử trần lưng sơ chế thuốc ngoài trời nắng, nhà kho trữ nguyên liệu dột nát, chú Hai lại lẳng lặng kêu gọi dựng căn nhà vừa chế biến thuốc, vừa khám chữa bệnh và cả dưỡng bệnh cho người dân.
Anh Nguyễn Văn Sung, Bí thư Đảng ủy xã Lương Quới, nói: “Chú Hai Nghĩa cực kỳ gần gũi với bà con lối xóm. Ổng giúp xây đền chùa và vận động bà con mỗi người nhường ít đất mặt tiền để mở rộng con đường từ lộ vào ấp và huy động xây dựng thành đường rộng như tiêu chuẩn thành phố. Hồi cuối tháng 3.2016, chú Hai mời được đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) về khám chữa bệnh cho các gia đình chính sách, người nghèo trong xã và “bao” cả đoàn, không để xã phải lo bố trí đón tiếp, đi lại, ăn ở… Dân mừng lắm”.
Nhặt cỏ, bắt sâu |
Người cộng sản của Bến Tre
Lúc chuẩn bị rời nhà, thấy ông thay quần cộc bằng quần dài, tôi hỏi và ông cười hiền: “Ra UBND xã xem tụi nhỏ chuẩn bị bầu cử ra sao”. Đi cùng, mới thấy sự quý mến của người dân dành cho ông qua những nụ cười thân, cái nắm tay rất chặt và cả hình ảnh những cán bộ trẻ xúm quanh “Hôm nào qua ông Hai đổ bánh xèo ăn nha”.
Trên đường về, ông nghiêm giọng: “Là cán bộ, càng lớn càng phải gương mẫu. Nghỉ hưu lại càng phải gương mẫu. Dân họ không nhìn xa xôi trên cao, mà nhìn chính những cán bộ đang ở cạnh, để đánh giá bộ máy. Người cộng sản phải là người cán bộ tốt”.
Nghe ông nói, tôi nhớ lời kể của bà Hai: “Ổng rất thích ăn cá, nhưng chỉ là liu riu nhỏ nhỏ. Lỡ mua cá to, ông rầy: Mình giờ là dân nhưng bà con vẫn nghĩ là nguyên phó thủ tướng nên tò mò từ món đồ đi chợ. Mua cá to đắt tiền, bà con sẽ bảo mình quan cách. Thế không được...”.
Ít ai biết, năm 2006 khi là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, ông một mình lẳng lặng vào Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội thăm và bỏ tiền túi trả viện phí, đề nghị bệnh viện gắng hết sức cứu sống bà cụ người Khu 4 có “thâm niên” khiếu kiện ở số 1 Mai Xuân Thưởng (Trụ sở Tiếp công dân của T.Ư Đảng - Nhà nước).
Ngày xuất viện, bà cụ ôm bó hoa tìm đến nhà công vụ của ông ở phố Đội Cấn. Lực lượng cảnh vệ ngăn cản khiến bà cụ khóc: “Tôi là người đi kiện, nhưng hôm nay tôi không mang đơn mà mang hoa đến cảm ơn người cứu sống tôi. Không bao giờ tôi kiện ông Hai Nghĩa vì đó là người cộng sản”.
10 năm sau ngày “một mình vào thăm người khiếu kiện”, người cộng sản ấy trở về lam lũ đời thường nhưng cốt cách “vì nước vì dân” vẫn vẹn nguyên. Vì thế, những người dân quê Bến Tre luôn mang đến tặng ông những gốc cây giống với lý do ngắn gọn: “Tặng chú Hai Nghĩa, người đã từng là Phó thủ tướng. Người cộng sản của Bến Tre”…
Ông Trương Vĩnh Trọng sinh năm 1942, ở xã Bình Hòa (Giồng Trôm, Bến Tre). Năm 1962, ông thoát ly gia đình, tham gia cách mạng. Ông từng kinh qua các chức vụ: Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ T.Ư, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Trưởng ban Nội chính T.Ư. Tại Đại hội Đảng lần X (2006), ông được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tháng 6.2006, ông được bổ nhiệm Phó thủ tướng Chính phủ. Năm 2011, ông về nghỉ hưu tại quê nhà. |
Đầu tháng Chạp năm Canh Tý – Còn gần 1 tháng nữa mới tới tết nguyên đán nhưng các hoạt động trên công trình xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam đã nhộn nhịp khác thường.
Đã bước vào trung tuần tháng 12 Canh Tý.
Mùa Xuân đang dập dìu trên đất Việt. Không khí hối hả đón xuân đã rộn ràng trên mọi ngả đường ngõ phố. Đó đây, những góc phố, những chợ hoa đã thấp thoáng những sắc đào, mai rực rỡ.
Nghe tin con trai giành Huy chương Vàng IMO, bố Nghĩa dù mừng vui nhưng ngay sau đó không quên dặn dò con: “Giải thưởng này khiến mình vui chốc lát, nhưng không thể quyết định một đời. Mong con hãy bình thường mà sống”.
12 học sinh đoạt huy chương Olympic quốc tế năm 2020 được tặng thưởng huân chương lao động, 5 em khác được nhận bằng khen của Thủ tướng.