Cảm xúc tháng 6
NGÀY VUI CỦA DÒNG TỘC
Tác giả: Trương Ngọc Vui
Tháng 6 về nhẹ thênh trong cái nắng trinh nguyên, như dòng mật vàng phủ khắp đất trời huy hoàng, nền trời xanh bảng lảng những áng mây. Những chùm hoa Phượng đỏ như những đốm lửa chao nghiêng thổi vào lòng người rạo rực.
Tháng 6, Cố đô Hoa lư xôn xao một niềm vui: dòng tộc họ Trương Việt Nam tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà thờ Quốc tộc vào ngày 11/6/2017, (nhằm ngày 17 tháng 5 năm Đinh Dậu). Vùng đất lịch sử của ba triều đại: Đinh – Tiền Lê - Lý, vùng đất đã có ba thời kỳ là Trung tâm tôn giáo lớn nhất Việt nam, dày đặc những công trình kiến trúc tâm linh, những cung điện dát vàng dát bạc long lanh rực rỡ với bao huyền tích lưu truyền trở thành huyền thoại thiêng liêng, nơi hội tụ của linh khí núi sông nay lại có thêm một công trình tâm linh mang tầm đất nước.
Đêm trước ngày khởi công, tôi ngồi bái lễ bên đàn tràng cầu siêu tịnh độ, dưới ánh đèn nến lung linh, hương trầm ngan ngát. Tiếng chuông, tiếng mõ hòa cùng tiếng tụng kinh như đưa tôi về miền siêu thoát.
Thủa Hồng hoang, Ninh Bình là một vùng đồng bằng phù xa cổ xuôi dần ra biển, một ngày kia, đất trời chao đảo, chuyển động ầm ầm, chỉ qua một đêm núi đã mọc lên chi chít. Thương dân tình trở đi vướng núi – trở lại vướng sông, Đức Thánh Khổng Minh Không đã hóa thành ông Khổng lồ cặm cụi gánh những ngọn núi xếp về phía Tây và phía Bắc thành hai dãy núi chầu về Bái Đính. Đến gánh cuối cùng thì đòn gánh bị gãy, núi bắn tung tóe khắp nơi, nhìn như núi mọc giữa đồng giữa bãi, dẫu vậy đường đi cũng đã dễ dàng, ruộng đồng đã phong quang, Đức Khổng Minh Không quay lại chùa xưa trên Bái Đính sơn vén mây nhìn lại: Đây sông Lạng, sông Bồi, sông Lê hợp thành dòng Hoàng Long quanh co uốn khúc như một dáng Rồng vàng “Ba đầu, bốn đuôi” ôm ấp Linh sơn. Đây núi Lê, núi Hàm Rồng mang dáng Kỳ Lân, Đầu Rồng chầu vào Bái Đính, tạo nên thế Rồng chầu Lân phục. Đây núi Hang, núi Nghẽn làm nên hai hàm của Thạch Long Đại Vân sơn…Địa thế “Sông núi chầu quy” tạo nên Long mạch đại quý, đất này chắc chắn sẽ phát Vương, phát Thánh. Đức Khổng Minh Không thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái: “Đại Hữu sinh Vương – Điềm Dương sinh Thánh”, Ngài quay về Linh sơn tự tu hành.
Và kia,thấp thoáng đỉnh Bái Đính sơn như một Thiên Long mã truy phong ngàn năm huyền thoại, phấp phới cờ hồng, quan binh gươm giáo oai nghiêm, Đinh Bộ Lĩnh uy nghi, hùng dũng, mình khoác áo cẩm bào, đầu đội Vương miện đứng dưới chân cột cờ xưa của Tản Viên Sơn Thánh sang sảng đọc hùng văn tế lễ đất trời, khai sinh đất nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, trong tiếng chiêng trống trầm hùng, tiếng hô “Vạn Tuế” vang vọng đất trời. Dưới chân đàn tràng, hai hàng văn võ bá quan áo mũ cân đai thành kính: “Định Quốc công Nguyễn Bặc, Đô hộ Phủ Sĩ cư Lưu Cơ, Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, Khuông việt Đại sư Tăng Thống Ngô Chân Lưu, Tăng lục Trương Mani, Đô úy Trương Ngọ, Đô úy Trương Mai, Sùng chân Uy nghi Đặng Huyền Quang, Lục phủ Công tượng Ninh Hữu Hưng”…* Quan binh sáu phủ ngay lối thẳng hàng. Ngập tràn bên sườn núi, bên lối đi, trắng xóa một màu cờ lau huyền thoại.
Bái Đính hôm nay lung linh như Bồng lai Tiên cảnh. Chín ngọn núi uốn lượn hình Long Mã thượng phong với những lọn bờm xoắn xuýt, hai chân xoài về phía sau, đầu vươn về phía Bắc. Thế núi linh thiêng đã vừa lòng Phật tổ: “Vùng đất này xứng đáng để xây dựng kinh thành nhà Phật, bên sườn núi này đặt điện Tam thế, góc núi kia xây điện Phật Pháp chủ, phía trước dựng điện Quan Thế âm Bồ Tát…một quần thể các công trình tâm linh nguy nga đồ sộ với những pho tượng đúc bằng đồng khổng lồ mà trên đất nước Việt Nam chưa nơi nào có…Trên đỉnh núi thiêng sẽ đặt Đại Hồng chung lớn nhất Việt Nam và một Thiên Bảo tháp vươn mãi tận trời xanh…biến núi sông linh thiêng này thành chốn Bồng lai Tiên cảnh với hàng ngàn pho tượng Phật lớn nhỏ, hàng vạn tượng La Hán bên lối đi, bên sườn núi, tĩnh tại dưới tán cây xanh, trầm tư bên dòng suối…Để ngày ngày muôn vạn con người về đây được sống trong không gian nhà Phật, được thụ hưởng giáo lý chân nhân. Mỗi bước đi sẽ trút bớt ưu phiền, mỗi bậc đá hướng về thiện ái. Tại đây, hàng ngày Phật tổ sẽ dẫn dắt chúng sinh qua bể khổ vô thường, hướng mọi người tới từ bi, yêu thương, bỏ điều ác, gieo nhân lành, sống khoan dung, sinh tạo công đức, phù hộ độ trì cho những người dân Việt được sống trong bình an, no đủ…”. Kỳ diệu thay, ý nguyện thiêng liêng của Phật tổ đã trở thành hiện thực: ngày 17/5/2008 tỉnh Ninh Bình tổ chức cắt băng khánh thành chùa Bái Đính, chính thức đưa Trung tâm Tâm linh Bái Đính đi vào hoạt động.
Tiên tổ anh linh của người họ Trương đã linh ứng nên điều thiên duyên kỳ lạ, dẫn dắt cháu con chọn mua đất và xây dựng Đại từ đường Trương Quốc tộc trong vùng đất linh thiêng “Hoa Lư ngàn năm tâm linh, ngàn năm lịch sử”.
Ngoài kia, dưới ánh trăng đêm 16 vằng vặc sáng, mọi người vẫn đang khẩn trương làm tiếp những phần việc chuẩn bị cho ngày trọng đại.
Đêm chuyển dần về sáng, ánh trăng bàng bạc mông lung, trời đất Hoa lư huyền ảo, lung linh, Đại hồng chung trên Bái Đính sơn đã bắt đầu dóng dả, tiếng chuông trầm hùng, ngân nga. 108 tiếng chuông thong thả, vang xa, giải thoát cho con người 108 điều phiền não, lan tỏa như hương sen tinh khiết, thấm đẫm vào lòng người tâm thế bằng an.
Ngày khởi công:
Mới 5 giờ 10 phút sáng, anh Trương Đức Lộc cùng gia đình ở thành phố Ninh Bình đã có mặt tại khán phòng tiếp khách, sau khi kiểm tra mọi công việc chuẩn bị, nhắc nhở, bổ xung những việc cần làm tiếp, anh và gia đình là những người đầu tiên gửi tấm lòng ủng hộ xây dựng nhà thờ với số tiền là 10 triệu đồng và có lời cầu chúc cho ngày khởi công được thuận lợi, hanh thông. Thay mặt BTC tôi chân thành cảm ơn anh và gia đình, chúc gia đình anh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Anh Trương Đức Lộc là một người có tâm, có đức, hết lòng vì đất nước và dòng tộc, anh đến “xông vía” cho BTC cũng là một điều “Thiên duyên” không định trước, anh em trong BTC rất vui và quả thực sau đó mọi công việc diễn ra vô cùng thuận lợi, không sơ xẩy bất cứ vấn đề gì, số tiền bà con, anh em đóng góp và đăng ký vật liệu xây dựng nhà thờ đạt tới gần 6 tỷ đồng.
Khi ánh bình minh rạng rỡ đất trời, cũng là lúc vành nôi văn hóa Hòa bình – Đông sơn dang rộng vòng tay chào đón những người con họ Trương tâm đức từ khắp mọi miền đất nước về đây tụ hội. Đường vào trung tâm thị trấn Thiên Tôn rực rỡ màu cờ, người xe tấp nập. Những nụ cười rạng rỡ tươi vui, vòng tay ôm xiết, những ánh mắt trìu mến thân thương. Gần 2.000 người đã về dự ngày lễ trang trọng này. Hòa cùng dòng người về dự lễ, đi bên những bậc cao niên tuổi đã tám chín mươi là dáng vẻ hiền hòa của Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trang phục giản dị, ông ân cần thăm hỏi bà con, trân trọng bắt tay các bô lão, tươi cười, hòa nhã, mỗi bước ông đi niềm vui như lan tỏa đến mọi người. Và niềm vui còn nhân lên gấp bội khi Nguyên chủ tịch nước được chọn là người động thổ đầu tiên trong lễ khởi công với uy danh của một Đấng Thiên tử - Vị Vua toàn năng của đất nước, tâm đức vẹn tròn thay mặt họ Trương cả nước động thổ, gửi gắm nguyện cầu cho dòng họ ngày càng phát triển, anh em đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau…
Lẫn trong dòng người đông đúc ấy có ánh mắt đôn hậu của Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam Trương Văn Đoan, có hình dáng đoan trang, tươi vui của Ủy viên BCHTW Đảng-Bí thư Tỉnh ủy- Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh, có ánh mắt tự hào của Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy-Trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình Trương Đức Lộc, của người sĩ quan Công an: Thiếu tướng Trương Giang Long…
Sự có mặt của Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang và của Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam Trương Văn Đoan làm anh em trong BTC chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Trước ngày lễ khởi công chừng nửa tháng, sức khỏe của Bác Trương Văn Đoan có phần giảm sút, do tuổi tác cũng đã gần 70 tuổi, anh em chúng tôi thống nhất với nhau không tham vấn Bác nhiều, mà chỉ những việc thật cần thiết mới xin ý kiến Bác và liên tục hỏi thăm nhau về tình hình sức khỏe của Bác. Ngày trọng đại của dòng tộc đã đến gần, như một hạm thuyền sắp đến giờ rời bến, thiếu người thuyền trưởng thì anh em chúng tôi sẽ lúng túng biết bao. Thực lòng mà nói, những ngày này anh em chúng tôi mong Bác Đoan và Bác Tư Sang mạnh khỏe còn hơn mong cho Cha mẹ của mình. Thiếu một trong hai người thì ngày vui sẽ không như ý nguyện.
Chủ tịch Trương Văn Đoan không chỉ là người đối nội, đối ngoại khôn khéo, tài ba, quyết sách hợp lòng người mà còn là người đưa tâm đóng góp rất nhiều công sức, tiền của cho công việc của dòng tộc từ trước đến nay, theo số liệu Ban tài chính kinh tế của Hội đồng ghi chép, kể từ khi tham gia hoạt động dòng tộc đến nay, mỗi lần một ít, Bác Trương Văn Đoan đã đóng góp hơn 1 tỷ 500 triệu đồng. Thực sự kính nể Bác, một tấm gương hết mình vì dòng tộc.
Và đúng là trời đã không phụ lòng mong mỏi của anh em chúng tôi khi cả hai người Cha già của dòng tộc đều có mặt, mạnh khỏe, tươi vui, nhân ái bên những gương mặt thân quen bao năm qua đã hết lòng vì dòng tộc: Cụ Trương Quang Phúc ở Quảng Bình, Bác Trương Đăng Duệ ở Quảng Trị,Bác Trương Văn Hiền, Trương Sỹ Truy ở Nghệ An, Anh Trương Việt Bình, anh Trương Thanh Tùng ở Thanh Hóa, Bác Trương Hữu Thắng, Trương Ngọc Đức, chị Trương Quỳnh Mai, anh Trương Quốc Tùng, chị Trương Thị Kim Dung ở Hà Nội, Bác Trương Hữu Quốc, Trương Thị Bạch Tuyết ở TP Hồ Chí Minh …
Còn đây là những Doanh nhân có tâm, có đức, những năm qua đã đóng góp rất nhiều công sức, tiền của cho hoạt động của dòng tộc: Anh Hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trương Văn Hiền, Giám đốc Trương Việt, Giám đốc Trương Tấn Bông ở Nghệ An, Giám đốc Trương Quang Ngọc, Trương Văn Khanh, Trương Phú Cường ở TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trương Xuân Sơn, Trương Đình Lam ở Thanh Hóa, Giám đốc Trương Công Nhãn, Trương Công Nam ở Quảng Nam – Đà Nẵng, Giám đốc Trương Công Hiệp, Trương Hữu Thắng (Công ty OAIS), Trương Quốc Hùng, Trương Thanh Phong ở Hà Nội, Giám đốc Trương Đệ ở Quảng Bình…cùng rất ,rất nhiều những gương mặt, những cái tên thân quen hết lòng vì dòng tộc: Trương Quốc Tùng, Trương Quốc Chính, Trương Quang Hào, Trương Mạnh Tiến, Trương Tô Tân, Trương Thúy Nga,Trương Thanh Long, Trương Minh Tân, Trương Quốc Thông, Trương Tú Phương, Trương Thị Ngọc Hằng…là những tấm gương và niềm tự hào của dòng tộc.
Từ miền Tây Nam Bộ xa xôi đến vùng địa đầu Tổ quốc, những tấm lòng tâm đức đều tụ hội về đây trong niềm vui hân hoan của ngày đoàn viên đồng tộc.
Cụ Trương Đăng Thạch quê tận Tiền Giang, năm nay gần 90 tuổi, tóc bạc da mồi, mặc bộ bà ba của miệt vườn sông nước xúc động tâm tư: “Tui được nghe các cụ bề trên nói lại, dòng họ tui trước ở ngoài Bắc, thời Nguyễn theo Vua Quang Trung vào miền Sơn-Quảng, rồi vào Tiền Giang mở đất. Đã bao năm nay tui muốn về ngoài này thắp một nén nhang bái lạy Tiên tổ mà hổng biết về đâu, thiệt phúc đức cho tui lần này được về đất nhà thờ trình Tiên tổ, dẫu nhà thờ nay mới xây nhưng cũng đã có Tổ tiên về đây chứng giám, tui có về theo các cụ cũng thỏa tấm lòng…”
Vợ chồng Ông Trương Thế Cang và bà Trương Thị Sa, dân tộc Mường ở Bá Thước, Thanh Hóa cười chân thật: “Chú hỏi sao lại lấy người cùng họ? Vùng tôi toàn người họ Trương, không lấy ông ấy thì tôi ở một mình a…Vợ chồng tôi ra ngoài này trước là lễ Tổ, sau là biết đường đi lối lại để dẫn con cháu ra cúng ở nhà thờ, chứ bây chừ chúng nó còn nghèo lắm, mải làm ăn chưa đi cả được…”
Đang mải lo công việc, tôi chợt nhìn thấy ngoài đường nắng một cụ ông được cõng trên lưng, giơ vội điện thoại ghi lại hình ảnh cảm động này, tôi chạy ra đỡ cụ, hỏi người thanh niên “Cụ ở vùng nào vậy em?” – “Ở Bắc Ninh anh ạ”.
Đưa cụ đến cửa khán phòng tôi quay đi lau 2 hàng lệ cứ tràn ra: gần 90 tuổi rồi, đi không vững, không quản ngại gì tuổi cao sức yếu vẫn cố gắng về với họ hàng, thật là điều trân quý. Cháu con của cụ cũng là những người có tấm lòng hiếu thảo. Có hiếu thảo, tôn kính ông cha mới dám chiều lòng cụ đưa cụ từ xa xôi về dự lễ giữa thời tiêt ngày hè đỏng đảnh này. Cầu chúc cho cụ được muôn phần như ý.
Và đây nữa, một hình ảnh thật tự nhiên, thật xúc động vô tình đã lọt vào ống kính máy ảnh: Cụ bà Lê Thị Tính năm nay đã chín mươi ba tuổi ở Hà Nội, dáng người nhỏ nhắn, hiền hậu, cụ cũng không quản nóng bức,xa xôi “Xuất giá tòng phu – Phu tử tòng tử”theo tiếng gọi của nguồn cội bên chồng về dự lễ. Có lẽ cụ Lê Thị Tính là người cao tuổi nhất trong ngày lễ đáng nhớ này.
Cụ chính là Thân Mẫu của nguyên Phó chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam Trương Hữu Thắng, người đã đóng góp cho hoạt động của dòng tộc hơn 1 tỷ đồng. Và đôi bàn tay hiếu thảo của vị Giám đốc tài ba Trương Công Hiệp khi sửa áo cho Cụ Tính đã thay cho ngàn lời muốn nói. Cử chỉ này, ánh mắt này chỉ có ở những người con yêu kính ông bà, cha mẹ, và còn ý nghĩa hơn thế nữa, khi cụ không phải là mẹ ruột của mình. Cảm ơn anh Trương Công Hiệp đã ứng xử rất nhân văn, để những người con trai, con gái của dòng họ Trương được tự hào về truyền thống, đạo lý cao đẹp trong dòng máu của mình. Trên thế gian này, không có ngọn lửa nào cao đẹp bằng ngọn lửa yêu thương.
Trong khán phòng, trên sân khấu trang nghiêm, trang trọng lẵng hoa tươi thắm của Ủy viên BCT - Chủ tịch nước Trần Đại Quang, lẵng hoa của Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh Ninh Bình và rực rỡ những lẵng hoa của các địa phương trên cả nước gửi về mừng ngày lễ, những lẵng hoa gửi gắm bao điều nhân ái.
Gần bước sang giờ Ngọ, trời bỗng ào một cơn mưa, cơn mưa “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa” đã làm khán phòng đột ngột bật lên những tràng vỗ tay giòn giã. Theo những nhà Phong thủy: trong ngày trọng đại này mà có mưa là rất tốt, rất may mắn. Tôi lạnh người khi nhớ tới lời Thượng tọa Thích Quảng Hà tâm sự tại Chùa Động Thiên Tôn sau lễ cầu siêu ở đất nhà thờ: “Ngày mai mà Cụ Trương Tấn Sang về động thổ thì tất trời sẽ đầy mây, nắng nhạt và sẽ có mưa, nhưng mưa nhỏ”. Tôi hỏi: “Bạch Thượng tọa, căn cứ…”, Thượng tọa tươi cười ngắt lời: “Cụ Sang là Mệnh Thiên tử, mà Thiên tử khởi công tức là ý trời đã định. Trời định thì việc gì cũng thuận”. Thật là linh nghiệm.
Trước giờ khởi công, những tấm lòng vàng của các Doanh nhân, Doanh nghiệp họ Trương, của các chi, tộc, anh em, con cháu đưa tâm đóng góp xây dựng nhà thờ làm khán phòng nổi lên những tràng vỗ tay không ngớt, gần 6 tỷ đồng là con số mà BTC nhận được đăng ký trong thời gian rất ngắn.
Giờ phút trang nghiêm đã điểm, trước đàn tràng nghi ngút hương trầm, Thượng Tọa Thích Quảng Hà – Phó chủ tịch Ban trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng 9 vị Sư tăng thành kính, trang nghiêm thay mặt dòng tộc trịnh trọng dóng tiếng chuông vàng thỉnh cầu Thần – Phật, thỉnh cầu các vị Tổ tiên anh linh của dòng họ Trương Việt Nam về trước đàn tràng chứng kiến giờ phút khởi công xây dựng nhà thờ Quốc Tộc.
Giữa ngày hè tháng 6 mà tôi như thấy người gai gai,lành lạnh. Giây phút này các Đấng Thần – Phật khắp bốn phương tám hướng đã ngự ở đây. Thủy tổ của người họ Trương Việt Nam đã về ngự ở đây. Những vị Vua anh linh mang dòng họ Trương thời Bách Việt, những Danh nhân, Danh tướng: Trương Hống-Trương Hát, Thái Vương Trương Nữu, Thái Phó Trương Hán Siêu, Vương Hoàng nghĩa Đại phu Trương Chí Tín,Quan Tiết bất đáo Trương Công Giai, Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy, Đại học sĩ Trương Đăng Quế, Bình tây Đại nguyên Soái Trương Công Định, Tổng tài Quốc sử quán Trương Quốc Dụng…đã về ngự ở đây. Linh hồn của những người họ Trương đã khuất từ suốt 4.000 năm dựng nước và giữ nước đang hiện hữu nơi này, có cả hương hồn ông bà,cha mẹ thân sinh ra mỗi người về ngự trước đàn tràng. Linh thiêng quá, cảm động quá ơi những người con mang dòng máu họ Trương đất Việt.
Mai đây, khi “Đại Từ đường Trương Quốc tộc” hoàn thành, cháu con dòng tộc sẽ có một ngôi nhà chung để đi về bên Tiên tổ, những người con lưu lạc xứ người, những chi, tộc không lần tìm ra gia phả…Tất cả, tất cả mọi người về đây sẽ gặp được tổ tiên, cha mẹ của mình. Ngôi nhà tâm linh của dòng họ sẽ hòa cùng chuỗi các công trình tâm linh trong khu vực, để ngàn vạn người con họ Trương nói riêng và những người con tâm đức đất Việt nói chung đến dâng nén tâm nhang bày tỏ tấm lòng tôn kính, cầu nguyện cho những ước vọng tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.
Xin được cảm tạ các Bác, các anh, các chị - những con người tâm huyết của dòng họ - đã không quản vất vả gian lao, vượt qua bao thiếu thốn, khó khăn, tìm đường, vạch lối, kết nối dòng tộc trên mọi miền Tổ quốc, quyết tâm tổ chức, triển khai xây dựng Đại Từ đường Trương Quốc tộc, để lại cho hôm nay và mai sau một nguồn tài sản không có giá trị nào so sánh nổi, một nền tảng về tộc họ mãi mãi trường tồn và hưng thịnh
Hà Nam Ninh, ngày 12 tháng 6 năm 2017
Trương Ngọc Vui
Nghệ nhân – Giám đốc Công ty TNHH Trường Thanh
Ủy viên Hội đồng họ Trương Việt Nam
Phó chủ tịch Thường trực HĐ họ Trương Hà Nam Ninh
Ngày 11 tháng 6 năm 2017 ( tức ngày 17 tháng 5 năm Đinh Dậu ) người họ Trương Việt Nam đã tổ chứ lễ động thổ ngôi nhà thờ dòng họ, niềm vui vỡ òa với tâm sự không thể nói thành lời, người họ Trương đã báo cáo với thổ công, thổ địa, các vị thần linh trên khu đất mà như THIÊN ĐỊNH cho công cuộc xây dựng nhà thờ.
Bài viết của tác giả Trương Ngọc Đức - Trưởng ban Khuyến học khuyến tài - Hội đồng họ Trương Việt Nam nhân ngày về dự Lễ Khởi công xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam
Để giữ lửa và truyền lửa cho con cháu mai sau, nhiều dòng họ trên đất nước ta hiện nay đã có chung một nhà thờ dòng họ cho cả nước. Đây là nơi thờ cúng, tưởng nhớ về tiên tổ, nơi gặp gỡ và tổ chức các sự kiện lớn của dòng họ, là nơi con cháu xa gần đi về. Qua thực tiễn hoạt động, các nhà thờ họ này đã phát huy tác dụng tốt.
Sáng nay (11/6), tại thôn Đa Giá, thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, Hội đồng họ Trương Việt Nam đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam.
Nhằm tri ân công đức tổ tiên, giáo dục truyền thống uống yêu nước cách mạng, tự hào dòng tộc và triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng họ Trương tỉnh Thanh Hóa, ngày 10 tháng 12 năm 2016, Hội đồng lâm thời họ Trương thị xã Sầm Sơn đã chính thức long trọng tổ chức Đại hội đại biểu họ Trương Sầm Sơn tại Hội trường khách sạn BMC, số 75 đường Nguyễn Du, phường Bắc Sơn.