Các tướng lĩnh họ Trương với sự nghiệp giúp nước thời Tây Sơn

05:10 - 19/05/2017 Người họ Trương Trương Thị Kim Dung 5134

Tượng Tây Sơn Tam Kiệt

Tượng Tây Sơn Tam Kiệt

1/ Trương Văn Hiến (? - 1773)
Trương Văn Hiến  là thầy dạy võ và binh thư cho ba anh em nhà Tây Sơn:Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và có công đào tạo nên các tướng lĩnh và thủ lĩnh Tây Sơn ở hai phủ Quy Nhơn - Quảng Ngãi.
Trương Văn Hiến là thân thuộc của Nội hữu Trương Văn Hạnh (anh em thúc bá) - một đại thần tứ trụ thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Đương thời, Nguyễn Phúc Khoát cử Trương Văn Hạnh làm thầy dạy cho Nguyễn Phúc Luân - Hoàng tử  thứ hai; do anh cả là Chương bị chết  nên Phúc Luân chuẩn bị nối ngôi. Lợi dụng Phúc Luân mới 12 tuổi “trẻ người non dạ” loạn thần Trương Phúc Loan đã âm mưu cùng Thái giám Chữ  Đức và Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông đổi di mệnh rồi lập Nguyễn Phúc Thuần - con thứ 10 của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát lên nối ngôi lúc 11 tuổi. Nguyễn Phúc Luân bị Trương Phúc Loan bắt giam. Nội hữu Trương Văn Hạnh, Thị giảng Lê Cao Kỷ bị Trương Phúc Loan giết.
Theo Tây Sơn tiềm long lục, sau khi giết Trương Văn Hạnh, Trương Phúc Loan truyền lệnh bắt Trương Văn Hiến để trừ sự phục thù. Trương Văn Hiến gặp sư Trí Viễn xin ý kiến, sư khuyên vào miền Tây Sơn.
Trương Văn Hiến vừa đến phủ Quy Nhơn, thì gặp cảnh võ sư Đặng Quan - người hộ tống thuyền buôn của phú thương họ Phan bị bọn cướp giết và cướp của. Trương Văn Hiến ra tay dùng sào đánh chết tên đầu sỏ, cứu được thương lái, bảo vệ tài sản. Báo đáp công ơn thương gia họ Phan mời Trương Văn Hiến về nhà khoản đãi trọng hậu nhưng cụ chỉ xin dựng cho một nhà tranh ở An Thái làm trường dạy học.. Trong số học trò xuất sắc của Giáo Hiến có 3 anh em Tây Sơn, đặc biệt Nguyễn Huệ được thầy truyền thụ bí quyết thâm hậu về võ công và binh pháp.
 Theo lời khuyên của võ sư Trương Văn Hiến, 3 anh em Tây Sơn lên vùng Thượng đạo đoàn kết các sắc tộc tham gia phong trào Tây Sơn khởi nghĩa. Chính cụ làm quân sư cho cuộc khởi nghĩa đánh vào huyện Tuy Viễn và giành được thắng lợi. Đang lúc quân Tây Sơn chuẩn bị đánh phủ thành Quy Nhơn, võ sư Trương Văn Hiến đột nhiên bị bệnh, mất.
2/  Trương Văn Đa (không rõ năm sinh, năm mất)
Là con của Trương Văn Hiến tính tình thuần hậu, theo cha học cả văn lẫn võ từ thuở nhỏ. Khi Tây Sơn khởi nghĩa (1771), Trương Văn Đa theo Nguyễn Nhạc lên Tây Sơn thượng lo việc huấn luyện nghĩa quân và  được Nguyễn Nhạc thương yêu, gả con gái cho. Nguyễn Nhạc có hai cô con gái, người con đầu gả cho Vũ Văn Nhậm, cô thứ hai gả cho Trương Văn Đa.
Đầu năm Quý Mão (1783), Trương Văn Đa tháp tùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Lê Văn Hưng, vào đánh Gia Định.
Sau khi đánh tan quân của Châu Văn Tiếp, Trương Văn Đa đốc quân tấn công đồn Cá Trê nằm bên tả ngạn sông Sài Gòn và bắt sống được Dương Công Trừng - tướng chỉ huy đồn.
Tại Đồng Tuyên (Kiến An, Định Tường), tướng Nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Quý bị Trương Văn Đa chém chết tại trận, buộc chúa Nguyễn Phúc Ánh phải chạy trốn ra đảo Cổ Long. Trương Văn Đa liền dẫn quân thủy đến bao vây đảo, nhưng gặp lúc mưa bão, việc bao vây lơi lỏng, Nguyễn Phúc Ánh đã chạy thoát ra đảo Phú Quốc.
Sau khi chiếm được Gia Định, trước khi rút đại quân về Quy Nhơn, Nguyễn Huệ đã giao cho Trương Văn Đa ở lại trấn giữ thành. Vua Thái Đức lại cử thêm hai Đại học sĩ là Cao Tắc Tựu và Triệu Đình Tiệp giỏi việc chính sự vào giúp sức. Trương Văn Đa một mặt điều quân canh phòng cẩn mật, một mặt dốc lòng chiêu hiền đãi sĩ, vỗ về dân chúng ổn định tình hình. Đất Gia Định đang hồi sinh thì một năm sau, Nguyễn Ánh lại rước 5 vạn quân Xiêm ào ạt sang đánh chiếm. Thế giặc mạnh, quân Tây Sơn chỉ có 1 vạn, lại đóng rải rác ở các đạo, nên Trương Văn Đa đề ra chiến lược: vừa chặn đánh tiêu hao sinh lực địch, vừa rút quân từng bước về Mỹ Tho, giữ vững hữu ngạn Tiền Giang đồng thời cho người về Quy Nhơn cấp báo. Trên đường rút quân, Trương Văn Đa cho quân phục kích, chém chết Châu Văn Tiếp - Đại đô đốc của Nguyễn Ánh, đặt phục binh đánh địch ở Ba Lai. Nhờ đó, khi Nguyễn Huệ cùng với các tướng (Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đưa đại quân tiến thẳng xuống Mỹ Tho, làm nên chiến thắng lẫy lừng ở Rạch Gầm - Xoài Mút.
Sau chiến thắng này, Trương Văn Đa cùng bộ tham mưu của mình lại ra sức an dân,  cho binh sĩ thay phiên nhau canh tác,  cùng dân mở mang khai khẩn việc đất trồng trọt, phát triển học hành, trọng dụng nhân tài. Chỉ trong 3 năm, đất Gia Định  trù phú hẳn lên.
Năm 1786 sau khi dẹp yên chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đuổi chúa Nguyễn ra khỏi Gia Định, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc phong cho em trai mình là Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương thay cho Trương Văn  Đa trở về Quy Nhơn làm quan trong triều và đặc trách dạy dỗ Thái tử Nguyễn Bảo, con trai vua Thái Đức.
Ngày 16 tháng 2 năm 1792, Quang Trung Nguyễn Huệ mất, con trai thứ là Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, đổi niên hiệu là Cảnh Thịnh.
Cũng trong năm này, đại quân của chúa Nguyễn từ Gia Định kéo ra đánh vua Thái Đức Nguyễn Nhạc ở thành Quy Nhơn. Nhà vua liền sai người đến chỗ vua Cảnh Thịnh xin cứu viện và được chấp thuận nhưng khi quân của đối phương rút về, các tướng của vua Cảnh Thịnh chiếm luôn thành trì của vua Thái Đức. do uất hận vì nội tình huynh đệ tương tàn mà Tháng 8 năm 1792 Thái đức Nguyễn Nhạc qua đời, người con cả là Nguyễn Bảo nối ngôi nhưng rồi bị Cảnh Thịnh đưa đi an trí ở huyện Phù Ly  (nay là Phù Cát)...
Nhận thấy nội bộ nhà Tây Sơn mâu thuẫn gay gắt, Võ tướng Trương Văn Đa lấy cớ tuổi cao sức yếu xin được trở về an dưỡng ở quê nhà. Trương Văn Đa mất (không rõ năm), có lẽ trước khi nhà Tây Sơn bị tiêu diệt năm 1802.
3/ Đại Đô đốc Trương Văn Luân (không rõ năm sinh năm mất):
Có họ với Thiếu bảo Trương Văn Đa. Cụ là một trong các tướng lĩnh tâm phúc cùng mang chức Đại Đô đốc ( Võ Đình Giai, Nguyễn Văn Điểm,  Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Văn Thuật, Đoàn Văn Cát, Nguyễn Công Thái,  Lê Văn Hưng, Trần Văn Khương) hoạt động dưới quyền của Thái Đức Hoàng Đế Nguyễn Nhạc
 Ngoại trừ Đại Đô đốc Nguyễn Công Thái theo hàng Nam triều (Nhà Nguyễn) khi Thái Đức Hoàng Đế Nguyễn Nhạc còn sống, 8 vị Đại Đô đốc còn lại đều theo Tây Sơn cho đến khi Thái tử Nguyễn Văn Bảo nổi dậy chống lại Cảnh Thịnh. Trong vụ biến này Đại Đô đốc Đoàn Văn Cát cùng Đô đốc Nguyễn Văn Thiệu theo phò Nguyễn Văn Bảo, các vị Đại Đô đốc khác theo phò Cảnh Thịnh.
4/ Đại đô đốc Trương Đăng Đồ (? - 1802)
Quê ở Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Cụ chính là chú ruột của Cần chánh điện Đại học sĩ Trương Đăng Quế.Tháng giêng năm Nhâm Tuất (1802), sau khi kinh đô Phú Xuân thất thủ, vương triều Tây Sơn gượng dậy phản công ác liệt lực lượng của Nguyễn Ánh tại lũy Trấn Ninh nhưng vẫn bị thất bại.
Để khẳng định vị thế của mình, tháng 5 năm 1802, Nguyễn Ánh đặt niên hiệu Gia Long và chuẩn bị lực lượng hùng hậu tấn công ra Bắc. Cuộc bắc phạt thành công dễ dàng : Nghệ An, Thanh Hoa, các trấn Bắc thành lần lượt rơi vào tay Gia Long. Thế cùng lực kiệt, Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thùy cùng Đô đốc Tú vượt sông Nhĩ Hà (tức sông Hồng) chạy về hướng Bắc. Ngày 17 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), dân chúng Phượng Nhãn (thuộc xứ Kinh Bắc) đã bắt vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản cùng cung quyến đem giải nộp. Những nhân vật trọng yếu còn lại của nhà Tây Sơn tiếp tục bị truy bắt. Liệu thế không thể chống cự nổi, Nguyễn Quang Thùy (em ruột vua Cảnh Thịnh) và Đô đốc Tú với phu nhân (Võ tướng Nguyễn Thị Dung) cùng tự vẫn.
Nhà Tây Sơn tồn tại quá ngắn ngủi, tư liệu còn lại về vương triều bị thất lạc hết cả. Tiểu sử Đô đốc Tú chỉ còn lại những ghi chép mơ hồ khiến cho hậu thế rất khó khăn khi tìm hiểu về cụ. May mắn, gia phả dòng họ Trương xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi do sử gia – Đại thần Trương Đăng Quế xác nhận: Đô đốc Tú chính là Tú Đức Hầu Trương Đăng Đồ.
Theo gia phả, năm Quý Hợi (1623), thủy tổ Trương Đăng Nhất cùng vợ rời quê cũ nay thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào định cư ở vùng đất bên bờ sông Trà nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Cục diện “rồng hổ tranh hùng” nửa sau thế kỷ XVIII giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn đặt mỗi người trong gia tộc vào tình huống buộc phải lựa chọn lối ứng xử khác nhau.
Đời thứ 7, dòng họ Trương có hai người ra làm quan với nhà Tây Sơn. Người anh Trương Đăng Phác (thân phụ của Trương Đăng Quế) giữ chức tri huyện Mộ Hoa, sau thăng hữu tuyên vũ phủ Quảng Ngãi. Người em Trương Đăng Đồ ra Phú Xuân học, nổi tiếng hay chữ. Nhà Tây Sơn tin dùng, ông nhận chức Đô đốc và được phong tước Tú Đức Hầu, trấn thủ Bắc thành. Dòng họ Trương cũng có người đứng trong hàng ngũ của Nguyễn Ánh như Trương Đăng Án ( chú thúc bá của Trương Đăng Phác, Trương Đăng Đồ) vào Gia Định tòng quân, lập quân công, được phong tước Huyền Hòa Bá.
Thời điểm Trương Đăng Đồ theo Tây Sơn áng chừng sau khi Nguyễn Huệ chiếm lấy Phú Xuân vào năm Bính Ngọ (1786). Sử sách không ghi chép gì về hành trạng của ông từ khi ông đứng vào hàng ngũ Tây Sơn cho đến khi cụ mất. Gia phả chỉ chép câu chuyện bi tráng của vợ chồng Tú Đức Hầu Trương Đăng Đồ trước khi tuẫn tiết : (…) cụ ông biết trước thất bại bèn gọi vợ (Phó tướng Nguyễn Thị Dung) mà nói rằng : “Phận tôi đáng chết, còn bà nên về Nam”. Cụ bà khẳng khái thưa lại : “Bề tôi chết vì vua, vợ không được chết vì chồng sao?”. Cụ ông thì vẹn chữ trung thần, cụ bà thì trọn nghĩa phu thê và cùng nằm lại nơi thiển thổ hiu quạnh quê người. Sau khi bình yên rồi, hai cụ được đưa về yên nghỉ trên quê hương Quảng Ngãi.”
Sau hơn 200 năm bị lãng quên, võ tướng Trương Đăng Đồ đã được công nhận là một trong nhân vật tiêu biểu của vương triều Tây Sơn. Hiện nay tại thành phố Quảng Ngãi đã có một con đường mang tên Trương Đăng Đồ. 
5/ Chưởng Viện cơ mật Trương Mỹ Ngọc (không rõ năm sinh năm mất)
 Nếu ở Phù Cát (nguyên là Phù Ly) có La Xuân Kiều, ở Bình Khê (Tuy Viễn tách ra) có Võ Xuân Hoài, thì ở An Nhơn (Tuy Viễn cũ) có Trương Mỹ Ngọc, là ba ngôi sao văn học của tỉnh Bình Định, tức phủ Qui Nhơn đương thời. Trương Mỹ Ngọc là người nổi tiếng về cốt cách trung hậu, khí phách anh hùng và có uy tín với dân chúng trong vùng. Thấy cảnh nhiễu nhương bè đảng loạn thần Trương Phúc Loan, cụ theo giúp quân Tây sơn, được Nguyễn Nhạc trọng dụng, phong Hiệp Biện Đại học sĩ, làm quan đến chức Lại Bộ Thị lang. Các công việc hành chánh, ngoại giao... Tây Sơn Vương nguyễn Nhạc đều giao cho Võ Xuân Hoài và Trương Mỹ Ngọc đảm nhận. Đến thời Quang Trung Nguyễn Huệ, cụ được cử  làm Chưởng viện cơ mật.
Khi quân Nguyễn Ánh đánh ra Quy Nhơn, quân Tây Sơn liên tiếp thua trận, cụ Trương Mỹ Ngọc dâng biểu trần tình, khuyên vua trẻ Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) nên xa lánh tiểu nhân, thân cận người hiền tài và giữ cốt cách chính nhân quân tử... thì bị đại thần Bùi Đắc Tuyên (cậu ruột vua Cảnh Thịnh) ghen ghét lập mưu tước thu quan chức.
6/ Lưỡng Bộ Thượng Thư Trương Công Hy (1727-1800)
Quê Thanh Quýt (Điện Bàn – Quảng Nam), là hậu duệ của thủy tổ Trương Công Trung - Đặc tấn Thượng tướng quân Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ, thời chúa Nguyễn Hoàng. Cụ từng được triều Nguyễn trọng dụng làm thày dạy ấu chúa Nguyễn Phúc Dương.
Khi trong triều ngoài nội xảy ra nhiều biến cố :  ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) dựng cờ khởi nghĩa, một bộ phận lớn tôn thất, quý tộc, quan lại của chúa Nguyễn chạy vào Gia Định theo Nguyễn Ánh, Trương Công Hy đã ra cộng sự vương triều Tây Sơn. Được cử làm Tri phủ Điện Bàn, ông bắt tay vào chấn chỉnh lại bộ máy chính quyền cấp xã, thôn, tổ chức khẩn hoang, khuyến khích nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế địa phương, đồng thời cho mở trường dạy học ở xã, huyện. Năm 1786, Trương Công Hy được giao giữ chức Khâm sai trấn Quảng Nam (thuộc phạm vi quản lý của Nguyễn Huệ) cụ cùng các quan lại địa phương đẩy mạnh hơn các hoạt động giao thương, sản xuất và củng cố quốc phòng  từ địa bàn cơ sở. Cụ còn có công vun đắp xây dựng bảo vệ sự thống nhất đất nước trước tình hình giặc ngoại xâm (Mãn Thanh) đe dọa và nội bộ triều chính rối ren.
 Dưới triều Quang Trung Nguyễn Huệ, Trương Công Hy được giao giữ chức Hình Bộ Thượng thư. Năm 1798, khi đã 72 tuổi, ông xin về trí sĩ, được vua Cảnh Thinh thăng chức Binh bộ Thượng thư, tước Thùy Ân Hầu.
 “Con mắt xanh” Nhà Tây Sơn đã thấy công lớn phò tá vương triều của đại thần Trương Công Hy đã cấp cho cụ 500 mẫu lộc điền. Thương dân và tạo cơ hội cho họ nâng cao đời sống, cụ đã phân phát hết số ruộng đó cho dân địa phương canh tác. Dòng họ Trương còn giữ được nhiều văn bản về ruộng đất mà nhà Tây Sơn ban cấp (gồm 40 văn bản bằng chữ Hán, niên đại từ Thái Đức đến Cảnh Thịnh). “Đây là một minh chứng xác nhận vai trò to lớn của Trương Công Hy đối với triều đại Tây Sơn trong việc chấn hưng đất nước, tổ chức giáo dục khoa cử, biên soạn luật lệ, tiến cử người tài ra giúp nước” (đánh giá của Viện Sử học)
7/ “Cận thiết Đôn Hầu” Trương Đình Kính (1710 -  1789
Cụ là hậu duệ của Thủy tổ Trương Đình Công - một chiến tướng thời Lê sơ tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo ở thế kỷ XV.
Một sự kiện lớn liên quan đến vận mệnh quốc gia xảy ra ở cuối thế kỷ XVIII đã thay đổi cuộc sống cuối đời của cụ Trương Đình Kính. Đó là ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày26 tháng 12 năm 1788), Quang Trung Nguyễn Huệ hành quân ra Bắc có dừng tại Nghệ An hơn 10 ngày để tuyển thêm tân binh và củng cố lực lượng, nâng quân số lên 10 vạn, tổ chức thành 5 đạo quân: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân để  tiến ra Bắc tiễu trừ 29 vạn quân Thanh giải phóng Thăng Long. 
Vốn là quan binh triều Lê – Trịnh đã nghỉ hưu tại quê nhà (Yên Vinh – Diễn Châu – Nghệ An) nhưng cụ Trương Đình Kính vẫn được mời ra giúp nước vì cụ có nhiều kinh nghiệm về thủy quân.
Về mặt bố phòng, Quang Trung Nguyễn Huệ đã lấy Biện Sơn (còn gọi là cửa Bạng hay lạch Bạng - nay là khu vực cảng biển nước sâu Nghi Sơn thuộc huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa) làm căn cứ thủy quân. Nơi đây có núi cao bao bọc xung quanh, hàng trăm tàu thuyền có thể neo đậu, không sợ sóng to gió lớn. Trên đảo Biện Sơn các triều đại đã xây dựng thành lũy cho thủy quân đóng giữ. Phía ngoài Biện Sơn có một số đảo nhỏ sát nhau, thủy quân đóng ở Biện Sơn có thể kiểm soát con đường thủy ven biển từ Bắc vào Nam. Với Quang Trung Nguyễn Huệ thì phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn là một “khu vực phòng thủ” hiểm yếu, kháng địch cực kỳ hữu hiệu.
Từ căn cứ thủy quân ở Biện Sơn,  “Cận thiết Đôn Hầu” Trương Đình Kính đã cùng hai đạo quân đi đường thủy do Đại đô đốc Lộc ( Nguyễn Văn Lộc), Đại đô đốc Tuyết (Nguyễn Văn Tuyết) chỉ huy, xuất phát từ Biện Sơn vượt biển vào sông Lục Đầu (địa phận này giáp giới giữa huyện Quế Võ – Bắc Ninh và huyện Chí Linh – Hải Dương ) rồi từ đây chia ra 2 ngả: đạo quân của Đại đô đốc Tuyết vào Hải Dương, đạo quân của Đại đô đốc Lộc trong  đó có cụ Trương Đình Kính tiến gấp lên phía Bắc tới các hạt Phượng Nhãn, Lạng Giang, Yên Thế để chặn đường chạy về nước của tướng Tôn Sĩ Nghị và quân Thanh. Trong trận chiến cuối cùng, cụ đã hy sinh ở cửa khẩu Châu Lạng trên sông Kỳ Cùng vào mồng 7 Tết Kỷ Dậu 1789,  thọ 79 tuổi

Tác giả bài viết: Trương Thị Kim Dung (Ban Tư liệu - văn kiện, Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời)